Bài Viết Mới

TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI (ĐIỀU 16)

Điều 16 BLHS quy định:

“Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.

Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.”

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm.

Ví dụ: B đã chuẩn bị dao găm, bao tải để giết người và cướp của nhà ông A. B đến nhà ông A nhưng B nghĩ lại và thấy ông A đã là người tốt với mình nên B quay về, không giết người, cướp của ở nhà ông A nữa.

Điều kiện cơ bản để được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là người phạm tội tự mình không thực hiện tội phạm nữa mặc dù không có gì ngăn cản, do đó, nếu do điều kiện khách quan mà người phạm tội không thực hiện tội phạm nữa thì không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Thí dụ: trong trường hợp trên, nếu B quay về vì không cậy được cửa, vì có tiếng động trong nhà làm cho y sợ hãi, hoặc vì nhà ông A vẫn còn thức thì việc B quay về không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 15 BLHS về Phạm tội chưa đạt.

Trong thực tế, việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có thể do nhiều nguyên nhân như hối hận, lo sợ, sợ bị trừng trị, không muốn thực hiện tội phạm đối với người quen biết,… Do dó chúng ta không nên đòi hỏi người có hành vi nguy hiểm phải tỉnh ngộ, hối hận mà chỉ cần họ đã thực hiện sự tự nguyện và dứt khoác không thực hiện tội phạm nữa thì được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Trong trường hợp người phạm tội là người tổ chức tội phạm thì mặc dù họ đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nhưng vẫn để mặc cho đồng bọn thực hiện tội phạm, thì người đó không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Ví dụ: Người đã đề xuất ra việc trộm cắp, đã vạch ra kế hoạch đi ăn trộm, đã vẽ sơ đồ cho đồng bọn, mặc dầu người đó đã tự ý không tham gia trộm nữa nhưng cứ để mặc đồng bọn thực hiện trộm cắp. Trong trường hợp này người tự ý không tham gia trộm nữa không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Trong trường hơp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nhưng hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành một tội phạm khác thì người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đã thực hiện.

Ví dụ: một người đã mua lựu đạn để giết người, mặc dù họ tự ý nửa chừng chấm dứt việc giết người, nhưng vẫn chịu trách nhiệm về hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Trường hợp định tham ô nhưng mới giả mạo được giấy tờ mà tự ý chấm dứt việc phạm tội tham ô, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi làm giả của mình nếu đủ yếu tố cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Cần lưu ý đối với trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành thì không có tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Ví dụ: A định giết B, A đã chỉa súng vào B và bóp cò nhưng đạn không nổ. Sau đó, y tự ý thôi không thực hiện hành vi nào để giết B nữa. Trong trường hợp này thì A vẫn phạm tội giết người chưa đạt chứ không được coi là tự ý chấm dứt nửa chừng việc phạm tội.

* Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong trường hợp có đồng phạm.

Nghị quyết số 01/HĐTP/NQ ngày 19/4/1989 của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao quy định:

Việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức có đặc điểm khác với việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người thực hành tội phạm. Nếu người thực hành tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, nghĩa là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, mặc dù không có gì ngăn cản thì tội phạm không thể hoàn thành, hậu quả mà kẻ phạm tội mong muốn không xảy ra. Trong vụ án có đồng phạm, nếu người xúi giục hoặc người tổ chức hay người giúp sức tuy tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội nhưng không áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết để ngăn chặn kẻ thực hành thực hiện tội phạm thì tội phạm vẫn có thể được thực hiện hậu quả của tội phạm vẫn có thể xảy ra. Do đó, để được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 16 BLHS về tội định phạm, người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức phải có những hành động tích cực nhằm ngăn chặn việc thực hiện tội phạm.

Để được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 16 BLHS, người xúi giục, người tổ chức phải thuyết phục, khuyên bảo, đe doạ để người thực hành không thực hiện tội phạm hoặc phải báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo cho người sẽ là nạn nhân biết vê tội phạm đang được chuẩn bị thực hiện để cơ quan nhà nước hoặc nạn nhân có biện pháp ngăn chặn tội phạm.

Để được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 16 BLHS, người giúp sức phải chấm dứt việc tạo những điều kiện tinh thần, vật chất cho việc thực hiện tội phạm (như: không cung cấp phương tiện, công cụ phạm tội, không chỉ điểm, dẫn đường cho kẻ thực hành,…). Nếu sự giúp sức của người giúp sức đang được những người đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm thì người giúp sức cũng phải có hành động tích cực như đã nêu trên với người xúi giục, người tổ chức để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức được miễn TNHS theo Điều 16 BLHS trong trường hợp họ ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm không xảy ra. Nhưng nếu những việc họ làm không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Họ chỉ có thể được miễn TNHS nếu trước khi hành vi phạm tội bị phát giác mà họ đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả trong việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.

Thực tiễn xét xử cho thấy, trong một số vụ án nhiều người thực hành tội phạm đã có người tự ý nửa chừng từ bỏ ý định phạm tội, có người không từ bỏ ý định phạm tội. Trong trường hợp này, người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn TNHS theo Điều 16 nếu họ đã không làm gì hoặc những việc mà họ đã làm trước khi từ bỏ ý định phạm, tội không giúp gì cho những người đồng phạm khác trong việc tiếp tục thực hiện tội phạm.

Ví dụ: 3 người rủ nhau đến ga xe lửa để trộm cắp nhưng không bàn bạc cụ thể gì, trên đường đi một người đã bỏ về vì không muốn phạm tội nữa, hai người còn lại vẫn tiếp tục đến ga xe lửa và lợi dụng sơ hở của một số hành khách để trộm cắp được một số hành lý.

Còn nếu những việc họ đã làm được đồng phạm khác sử dụng để thực hiện tội phạm thì họ cũng phải có những hành động tích cực để ngăn chặn việc thực hiện phạm tội, thì họ mới có thể được miễn TNHS theo Điều 16. Nhưng nếu họ không ngăn chặn được những người đồng phạm khác thực hiện tội phạm, hậu quả của tội phạm vẫn xảy ra thì họ có thể vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, tương tự như trường hợp về người xúi giục, người tổ chức, người giúp sức đã được nêu trên.

Ví dụ: mấy người bàn bạc với nhau về việc trộm cắp một địa điểm nào đó, một người trong số bọn họ đã vẽ sơ đồ, chỉ dẫn cho đồng bọn cách đột nhập một cách an toàn vào nơi có tài sản. Sau đó, người này từ bỏ ý định phạm tội và cũng chỉ khuyên đồng bọn không nên phạm tội nữa, nhưng đồng bọn của người này vẫn sử dụng sơ đồ và sự chỉ dẫn cuả người này để thực hiện tội phạm thì người này vẫn có thể phải chịu TNHS.

Người xúi giục, người giúp sức tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn TNHS về tội định phạm, nhưng có thể phải chịu TNHS về tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 247 BLHS, nếu họ không tố giác tội phạm do người (hoặc những người) đồng phạm thực hiện không có sự trợ giúp của họ.

Có thể nhận thấy, xét về mức độ nguy hiểm của hành vi, vai trò của từng người phạm tội mà họ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi của mình. Việc xác định người phạm có ý chí muốn chấm dứt hành vi của họ ngoài phụ thuộc vào ý thức chủ quan của họ, còn xem xét vào hoàn cảnh, mức độ thực hiện hành vi và nhiều yếu tố khác nữa.

Ví dụ: một người cầm dao, nằm đè lên người nạn nhân và sắp đâm nạn nhân nhưng vì hối hận nên không thực hiện hành vi giết người mà tự bỏ đi. Xét về ý thức chủ quan là do người phạm tội hối hận về hành vi của mình tại thời điểm đó. Xét về hoàn cảnh, thực tế nạn nhân lúc đó không có sức chống cự, không có người xung quanh phát hiện, không có bất kì tác nhân nào khiến người phạm tội không thực hiện hành vi là do nguyên nhân nằm ngoài ý chí của họ. Nên có thể xem là người phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi của mình.

Mọi thắc mắc pháp lý xin liên hệ:

TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ – Luật sư quận 6

Luật sư Trần Thị Hoà

Hotline: 0973.520.805

Email: cvtranhoa@gmail.com