Bài Viết Mới

NGƯỜI PHẠM TỘI TỰ NGUYỆN SỬA CHỮA, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Mục 1 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn các trường hợp được áp dụng tình tiết người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả:

Cũng được áp dụng tình tiết “Người phạm tội tự nguyện sữa chữa bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” nếu thuộc các trường hợp sau đây:

  • Bị cáo là người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi khi phạm tội và cha mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
  • Bị cáo là người từ đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội và cha mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nếu bị cáo không có tài sản.
  • Bị cáo (không phân biệt chưa thành niên hay thành niên) hoặc cha mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo.
  • Bị cáo (không phân biệt chưa thành niên hay thành niên) hoặc cha mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu.
  • Bị cáo không có tài sản để bồi thường những đã tích cực tác động đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè), sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
  • Bị cáo không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra (ví dụ: việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) những đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sữa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sữa chữa bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu bị cáo không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
  • Đối với các trường hợp hướng dẫn tại điểm đ và e tiểu mục 1.1 Mục 1 này mà bị cáo không có việc tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, nếu những người này đã tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra thì bị cáo chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 BLHS.

Theo quy định trên thì có thể hiểu quy định này như sau:

Điều 51 quy định người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả, có thể chia ra các trường hợp sau:

+ Người phạm tội tự lấy tài sản của mình bồi thường thiệt hại.

+ Người phạm tội tích cực tác động người thân bồi thường.

+ Người phạm tội từ đủ 14 đến dưới 15 tuổi thì cha mẹ có trách nhiệm bồi thường.

+ Người phạm tội từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: nếu không có tài sản thì cha mẹ có thể bồi thường thay họ.

+ Người phạm tội chủ động bồi thường nhưng người bị hại không nhận, nên họ chủ động giao cho cơ quan tiến hành tố tụng.

+ Người phạm tội chủ động bồi thường nhưng người bị hại không nhận, họ đem về nhà cất giữ nhưng phải có chứng cứ chứng minh.

+ Người phạm tội không có trách nhiệm bồi thường nhưng đã chủ động bồi thường.

Lưu ý: trường hợp người phạm tội không tích cực tác động người thân bồi thường mà người thân vẫn bồi thường thì họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 BLHS.

Ví dụ: Ông A phạm tội cố ý gây thương tích cho bà B gây thương tích 20%, Bà B yêu cầu ông A bồi thường viện phí và những ngày không làm việc là 50 triệu đồng. Ông A có thể được xem xét tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội tự nguyện sữa chữa bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” nếu:

- Ông A tự lấy tài sản của mình bồi thường các chi phí khám chữa bệnh và tổn thất khác cho bà B 50 triệu đồng.

- Ông A không có khả năng nên đã tác động cha mẹ mình bồi thường cho bà B 50 triệu đồng và họ đã bồi thường.

- Nếu trong trường hợp bà B không muốn nhận tiền bồi thường mà ông A vẫn mang đến và lưu lại chứng cứ.

- Nếu trong trường hợp bà B không muốn nhận tiền bồi thường mà ông A đem tiền bồi thường giao cho cơ quan tiến hành tố tụng.

 

Mọi thắc mắc pháp lý xin liên hệ:

TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ – Luật sư quận 6

Luật sư Trần Thị Hoà

Hotline: 0973.520.805

Email: cvtranhoa@gmail.com