Bài Viết Mới

Mẫu đơn xin hoà giải tranh chấp đất đai

Mẫu đơn xin hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã

 

Trường hợp nào phải hoà giải đất đai tại UBND xã/ phường?

Căn cứ vào Điều 202 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-CP thì các trường hợp phải hoà giải tại cơ sở trước khi nộp đơn khởi kiện tại Toà án gồm:

2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.

Có thể hiểu đơn giản là: những tranh chấp để xác định ai là người có quyền sử dụng đất, trước khi khởi kiện tại Toà án, bạn phải hoà giải tại UBND cấp xã, phường. Nếu hoà giải không thành thi mới tiếp tục khởi kiện tại TAND có thẩm quyền.

Ví dụ: các tranh chấp xác định ai có quyền sử dụng đất như tranh chấp lối đi chung, tranh chấp giữa các bất động sản liền kề, tranh chấp xác định ai là ngừoi có quyền sử dụng đất,…..

Còn đối với các tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thừa kế, ly hôn có liên quan đến quyền sử dụng đất,… thì không bắt buộc phải hoà giải tại cơ sở nhưng theo quy định tại Điều 220 Luật đất đai 2013 thì nhà nước khuyến khích các bên hoà giải với nhau khi xảy ra tranh chấp nên các bên vẫn có thể gửi đơn đề nghị hoà giải đất đai tại UBND xã/ phường.

 

Mẫu đơn đề nghị hoà giải đất đai: mẫu đơn hoà giải tranh chấp đất đai, tranh chấp lối đi chung thường được làm để gửi cho UBND cấp xã để đề nghị tổ chức hoà giải tại cơ sở. Dưới đây là một mẫu đơn xin hoà giải tranh chấp đất đai về đất nhà thờ.

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------------------------

ĐƠN XIN HOÀ GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

 

Kính gửi: UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ BÌNH SA, HUYỆN THĂNG BÌNH

 

Người yêu cầu: TỘC TRẦN

Người đại diện: ông…………..

CMND:……………… cấp ngày…………….. tại công an tỉnh ………………………

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………

Điện thoại: …………………………………………………………………………………

Theo Biên bản họp gia tộc ngày.

Người tranh chấp: Bà TRẦN THỊ MAI

Địa chỉ: tổ 2, thôn Bình Trúc I, Xã Bình Sa, Huyện Thăng Bình, Tỉnh Quảng Nam.

Điện thoại:

Chúng tôi làm đơn này xin trình bày nội dung như sau:

Dòng họ Trần chúng tôi có một nhà thờ họ được xây dựng từ năm 1995 toạ lạc tại tổ 2, thôn Bình Trúc I, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nhà thờ này là nơi thờ phụng ông bà tổ tiên và cũng là nơi con cháu trên mọi miền quê của tổ quốc tụ họp và cùng hướng về cuội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích đất của nhà thờ hiện đang bị bà Trần Thị Mai chiếm hữu, sử dụng và đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Sự việc cụ thể như sau:

1/ Nguồn gốc của mảnh vườn như sau:

Đời ông nội chúng tôi là hai cụ Trần Văn Ngại và cụ Huỳnh Thị Lựu đã sinh sống trên mảnh đất tại Tổ 2, Thông Bình Trúc I, Xã Bình Sa, Huyện Thăng Bình, Tỉnh Quảng Nam.

Hai cụ có với nhau năm người con trai gồm:

  1. Trần Mãng – con trai cả
  2. Trần Truyền – con trai thứ hai
  3. Trần Kiếm – con trai thứ ba
  4. Trần Dư – con trai thứ tư
  5. Trần Ngọc Huệ - con trai út

Khi lớn lên và thành gia lập thất, chỉ có hai cụ sinh sống trên mảnh đến của cha mẹ là cụ Trần Mãng Và Trần Ngọc Huệ. Ba cụ còn lại là Trần Truyền, Trần Kiếm Và Trần Dư thì ở riêng và sinh sống nơi khác. Cụ Mãng và cụ Lựu có xây dựng một căn nhà thờ tổ tiên ở giữa khu vườn, còn lại hai bên thì cho hai người con cất nhà ở.

Trước năm 1960, đất nước chiến tranh ác liệt, hai cụ đi tập kết ra Bắc. Ba người con theo cách mạng, đã có hai người hy sinh trong trận chiến giành lại tổ quốc là cụ Trần Truyền Và Trần Dư.

Đến đầu năm 1967, Mỹ Nguỵ đánh bom tàn phá ác liệt làm cháy rụi tất cả nhà cửa trên mảnh đất mà ông bà tổ tiên đã dựng nên (bao gồm cả nhà thờ và hai căn nhà của hai cụ Truyền và Huệ). Sau đó, con cháu trong gia đình đã dựng tạm một căn nhà nhỏ để hương khói cho tổ tiên.

Đến đầu năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn. Hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề, gia đình đông con nên chúng tôi phải tìm kiếm con đường mưu sinh mới. Đến năm 1980, nhà nước có chủ trương di cư vào Đak Lak để xây dựng kinh tế mới, gia đình chúng tôi đã đăng ký di chuyển vào Dak Lak, toàn bộ ruộng vườn ông bà để lại đều để trống. Bấy giờ, hợp tác xã nông nghiệp đã lấy nhà làm nhà đội và sử dụng vào canh tác chung. Đến năm 1988, khi hợp tác xã giải thể nhà đội thì có trả lại đất cho dòng họ.

Vào năm 1989, bà Trần Thị Mai, là con gái của cụ…………., cháu gái ruột của cụ Trần Ngọc Huệ có hoàn cảnh rất khó khăn. Thời điểm đó, bà Mai có một người con trai nhưng không có chồng, cũng không có đất cất nhà ở. Ông Huệ và gia đình hầu hết đã vào Dak Lak sinh sống và lập nghiệp nên không có người trông coi đất nhà thờ. Thấy vậy, ông Huệ thương tình đã cho bà Mai dựng một căn nhà nhỏ ở mép mảnh vườn để ở tạm và trông coi đất ông bà cho đến khi có kinh tế thì xây dựng lại nhà thờ.

Đến năm 1995, khi các con cháu đã phần nào an cư, theo lời kêu gọi của ông Trần Ngọc Huệ, con cháu trong Tộc đã xây dựng một căn nhà thờ nhỏ để hương khói cho ông bà tổ tiên. Chúng tôi đã giao lại nhà thờ cho bà Mai trông nom, dọn dẹp. Trong những tháng năm quá khó khăn khi mà chiến tranh đã cướp đi rất nhiều thứ của chúng tôi, những người cha, người chồng là trụ cột của gia đình, nhà cửa, vườn tược cũng bị thiêu rụi. Con cháu chúng tôi phải tha hương đến mọi miền tổ quốc để duy trì cuộc sống và nuôi dạy con cái. Chiến đấu với cái nghèo, cái dốt khiến chúng tôi không có nhiều thời gian để chú ý đến việc làm giấy tờ đất hay đăng ký với chính quyền địa phương. Một phần cũng tin tưởng vào người con của gia tộc nên không hề biết đến những việc làm của bà Mai.

Đến năm …….., chúng tôi được biết bà Mai đã lén chúng tôi đăng ký kê khai đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ mảnh vườn đứng tên bà.

Sau khi biết việc này, các con cháu trong họ cũng đã họp gia tộc, yêu cầu bà Mai trả lại đất. Chúng tôi cũng không muốn làm khó bà Mai nên cũng đã đề nghị bà Mai trả lại phần đất nhà thời và cây cối xung quanh, còn lại đất mà bà Mai đã xây nhà và ở ổn định thì cho luôn bà Mai.

Rất nhiều lần, anh em trong dòng họ họp bàn và nói chuyện trực tiếp với bà Mai cùng các con của bà. Bà Mai cũng rất nhiều lần hứa sẽ làm thủ tục tách thửa, trả lại đất nhà thờ. Nhưng mãi đến thời điểm này, bà Mai vẫn lần lữa, không chịu làm thủ tục. Mấy năm gần đây, con trai bà Mai về ở trên khu đất và gia đình bà kiên quyết không trả lại đất.

Hiện tại trên đất có một nhà thờ được xây dựng kiên cố, là nơi thờ phụng ông bà tổ tiên từ thời hai cụ cố Trần Văn Ngại. Người trực tiếp trông coi, don dẹp nhà thờ là gia đình ông Trần Văn Một. Hằng năm các con cháu trong Tộc có tu sửa, sửa sang lại nhà thờ. Tuy nhiên đến nay nhà thờ đã có dấu hiệu xuống cấp, nên chúng tôi có nguyện vọng lấy lại đất để nâng cấp nhà thờ.

Do đó, chúng tôi làm đơn này yêu cầu bà Trần Thị Mai trả lại đất dòng họ toạ lạc tại tổ 2, thôn Bình Trúc I, Xã Bình Sa, Huyện Thăng Bình Tỉnh Quảng Nam. Đề nghị UBND xã Bình Sa hoà giải tranh chấp đất đai giữa Tộc Trần chúng tôi và bà Trần Thị Mai để giải quyết tranh chấp giữa hai bên.

Mong Quý Cơ quan xem xét.

Xin chân thành cảm ơn./.

Thăng Bình, ngày….. tháng……năm 2020.

NHỮNG NGƯỜI LÀM ĐƠN CÙNG KÝ TÊN