Bài Viết Mới

TÌNH TIẾT “ĐÃ BỊ XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH VỀ HÀNH VI NÀY MÀ CÒN VI PHẠM”

Tình tiết đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là một tình tiết quy định trong khoản 1 của nhiều tội, chẳng hạn Điều 172 Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, Điều 174 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Điều 175 Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,… Vậy trong thực tế việc áp dụng tình tiết này như thế nào?

Mục 6 Nghị quyết 01/2006/NQ-TANDTC của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn:

- Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm và đã được hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện theo đúng hướng dẫn của các văn bản đó.

- Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm mà chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền thì phân biệt như sau:

· Đối với điều luật quy định một tội (tội đơn) thì đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó một người đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê đó trong tội đó.

Ví dụ: A đã bị xử phạt hành chính về hành vi đặt chướng ngại vật trên đường sát để gây cản trở giao thông đường sắt, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính, A lại thực hiện một trong các hành vi (đặt chướng ngại vật trên đường sắt, làm xê dịch ray, tà vẹt, khoan đào, xẻ trái phép nền đường sắt, mở đường trái phép qua đường sắt…) để cản trở giao thông đường sắt.

· Đối với điều liệu quy định nhiều tội khác nhau (tội ghép) thì đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó một người đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong một tội tại điều luật đó bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệu kê trong tội đó (không bao gồm các hành vi đã được liệt kê trong tội khác cũng tại điều luật đó)

Ví dụ: Điều 164 BLHS 1999 quy định tội làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả. Trường hợp B đã bị xử phạt hành chính về hành vi làm tem giả, chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt hành chính, B lại làm vé giả thì bị coi là đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm; nếu B chỉ buôn bán tem, vé giả thì không coi là đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì được coi là chưa bị xử phạt hành chính trong các trường hợp sau:

- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không có tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt hành chính.

- Cá nhân bị áp dụng xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

“Biện pháp xử phạt hành chính” và “xử lý hành chính” là hai biện pháp xử phạt khác nhau. Khi vi phạm các quy định về an ninh trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì thuộc trường hợp xử lý hành chính. Và được coi là chưa bị xử phạt hành chính trong thời hạn 02 năm từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý mà không vi phạm.

Còn xử phạt vi phạm hành chính là bao gồm các hình phạt chính như cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, trục xuất. Cảnh cáo là hình thức xử phạt nhẹ nhất nên thời hạn được coi là không vi phạm hành chính là sau 06 tháng. Còn đối với các hình phạt khác là 01 năm.

Điều 7 quy định là thời gian thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, có nghĩa là phải thi hành xong toàn bộ các quyết định bao gồm hình phạt chính và biện pháp khắc phục hậu quả.

Ví dụ: một người có hành vi vu khống người khác, bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm biện pháp phạt tiền 500.000đ và biện pháp khắc phục hậu quả là cải chính thông tin sai sự thật. Vậy thời hạn 06 tháng được tính từ ngày người đó nộp xong tiền phạt, đồng thời cải chính thông tin sai sự thật.

Khi hết thời hạn theo quy định của pháp luật thì người đã vi phạm được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, xét về tình trạng về mặt pháp lý thì tương tự như những người chưa từng vi phạm gì trước đó. Và sự kiện này sẽ không được tính vào trường hợp đã bị xử lý vi phạm hành chính.

Ví dụ 1: Tháng 10/2019, một người bị xử phạt vi phạm hành chính về tội trộm cắp tài sản của người khác nhưng giá trị tài sản trộm cắp dưới 02 triệu đồng. Đến tháng 11/2019 người đó chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên đến 02/2021, người đó lại tiếp tục trộm cắp tài sản, tài sản trộm cắp dưới 01 triệu đồng. Trường hợp này họ vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính vì họ được coi là chưa bị xử phạt hành chính.

Ví dụ 2: Tháng 2/2019, bà N bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc với tổng số tiền đánh bạc dưới 5 triệu đồng, bà bị xử phạt tiền 02 triệu đồng nhưng bà N chưa nộp phạt. Đến tháng 10/2019, bà N tiếp tục thực hiện hành vi đánh bạc tại nhà của mình, tổng số tiền đánh bạc là 2 triệu đồng.

Vì trước đó bà N đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc (do chưa chấp hành xong quyết định xử phạt) nên bà N bị cơ quan công an có thẩm quyền khởi tố về tội đánh bạc theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS 2015.

Mọi thắc mắc pháp lý xin liên hệ:

TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ – Luật sư quận 6

Luật sư Trần Thị Hoà

Hotline: 0973.520.805

Email: cvtranhoa@gmail.com

đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thế nào là đã bị xử phạt hành chính, luat su quan 6, luật sư quận 6, luật sư hình sự quận 6, luat su hinh su quan 6, luat su uy tin tphcm, luat su uy tin quan 6, luật sư uy tín quận 6