Bài Viết Mới

PHẠM TỘI CÓ TÍNH CHẤT CHUYÊN NGHIỆP (KHOẢN 1 ĐIỀU 52 BLHS)

Mục 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP có hướng dẫn:

Chỉ áp dụng tình tiết Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu TNHS, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa được xoá án tích.

- Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

- Ví dụ: A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu nhập từ việc phạm tội. Trong một thời gian A liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ hai triệu trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải áp dụng tình tiết định khung hình phạt “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

                                                        

Khi áp dụng tình tiết Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp cần phân biệt:

Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xoá án tích thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” hoặc “tái phạm nguy hiểm” và "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp."

Ví dụ: B đã bị kết án về tội “Trộm cắp tài sản” nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ hai triệu đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” hoặc “tái phạm nguy hiểm” và phạm tội có tính chất chuyên nghiệp.

Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 52 BLHS. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 52 BLHS.

Ví dụ: bị cáo có 05 lần phạm tội trộm cắp tài sản nhưng 01 lần thuộc trường hợp được đương nhiên xoá án tích theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội. Vậy bị cáo có bị xem là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp hay không?

Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 33/2009/NQ-QH12 quy định: những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại quy định tại điểm đ khoản này thì đương nhiên được xoá án tích. Như vậy căn cứ vào các quy định trên thì bị cáo này chỉ tính 4 lần phạm tội (do 1 lần được đương nhiên được xoá án tích) nên không áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

Mọi thắc mắc pháp lý xin liên hệ:

TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ– Luật sư quận 6

Luật sư Trần Thị Hoà

Hotline: 0973.520.805

Email: cvtranhoa@gmail.com