Bài Viết Mới

VI PHẠM VỀ TỐ TỤNG CÓ THỂ BỊ HUỶ ÁN

Quy trình xét xử vụ án hành chính được quy định tại Luật Tố tụng hành chính 2015. Trong quá trình xét xử, toà án phải áp dụng theo đúng trình tự, thủ tục đã quy định. Theo quy định tại, người có quyền lợi bị xâm phạm có quyền kháng cáo đối với bản án của toà. Toà án cấp phúc thẩm có quyền huỷ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại nếu có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng theo quy định tại khoản 3 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính 2015. Vậy những vi phạm như thế nào được gọi là vi phạm tố tụng nghiêm trọng và toà án cấp cao hơn có thể huỷ bản án của toà án cấp dưới nếu có vi phạm về tố tụng.

                   

Luật Tố tụng hành chính và các văn bản có liên quan không quy định cụ thể thế nào là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, tuy nhiên trong thực tiễn xét xử các vụ án của toà án cũng như các thông báo rút kinh nghiệm trong quá trình xét xử của Toà án, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thì thường có các vi phạm sau:

1/ Đình chỉ giải quyết vụ án không đúng quy định làm mất quyền khởi kiện của đương sự.

Theo quy định tại Điều 3 Luật Tố tụng hành chính thì người khởi kiện có quyền khởi kiện đối với Quyết định hành chính, hành vi hành chính. Do đó, khi xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Toà án phải xem xét toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của họ, để đảm bảo quyền khởi kiện của họ trong vụ án hành chính. Một ví dụ cho việc đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án không đúng quy định như sau:

Trong vụ án khởi kiện hành chính, người khởi kiện có hai yêu cầu khởi kiện là huỷ công văn của UBND cấp tỉnh và buộc UBND cấp tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ bồi thường đối với diện tích đất bị thu hồi của nguyên đơn. Toà án cấp sơ thẩm xác định Công văn của UBND tỉnh mà người khởi kiện yêu cầu huỷ là công văn nội bộ chỉ đạo các cơ quan ban ngành chỉ không phải quyết định hành chính. Vì thế đã đình chỉ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.

Tuy nhiên TAND cấp phúc thẩm xác định, người khởi kiện có hai yêu cầu khởi kiện, Toà án cấp sơ thẩm đình chỉ đối với yêu cầu huỷ Công văn là phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng không được đình chỉ đối với yêu cầu còn lại vì yêu cầu này là được xác định hành vi hành chính.

2/ Không đưa người có quyền và nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng:

Trường hợp này khá phổ biến khi Toà án bỏ sót người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Chẳng hạn như vụ án sau: người khởi kiện được cấp giấy chứng nhận đối với 9000 m2 đất. Tuy nhiên, sau đó nhà nước thu hồi 6000 m2 đất để làm đường giao thông nhưng người khởi kiện không được bồi thường về đất. UBND xác định diện tích 6000 m2 này đã được giao cho UBND thị trấn quản lý, thuộc quyền sở dụng của nhà nước nên khi thu hồi không được bồi thường. Tuy nhiên trong quá trình giải quyết vụ việc, TAND cấp sơ thẩm không đưa UBND thị trấn tham gia với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan để làm rõ về quyền quản lý và sử dụng đất.

3/ Thụ lý giải quyết vụ án khi sự việc đã được giải quyết bằng một bản án khác.

Xét trên sự tương đồng về yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, nếu vụ án đã được giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật trước đó thì người khởi kiện không có quyền khởi kiện và Toà án không được thụ lý giải quyết đối với những trường hợp này.

4/ Vi phạm trong việc thu thập chứng cứ:

Theo quy định tại Điều 78 Luật Tố tụng hành chính thì người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp bản sao Quyết định hành chính và các chứng cứ khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, nghĩa vụ thu thập chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là đúng thuộc về người khởi kiện. Tuy nhiên trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập chứng cứ thì có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ theo quy định tại Điều 93 Luật Tố tụng hành chính 2015. Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng vẫn không thu thập được thì có quyền yêu cầu Toà án thu thập chứng cứ.

Chẳng hạn như vụ án sau đây: người khởi kiện khiếu kiện quyết định hành chính của UBND cấp tỉnh trong việc thu hồi đất. Toà án không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện do không cung cấp được Quyết định thu hồi đất.

Tuy nhiên trong phần cập nhật của Giấy chứng nhận có nội dung: “Đất bị thu hồi theo Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau”. Trong trường hợp này nghĩa vụ chứng minh và thu thập quyết định thu hồi thuộc về cơ quan nhà nước và Toà án. Ngoài ra trong quá trình xét xử, toà án chỉ căn cứ vào lời khai của người khởi kiện mà không làm rõ ranh giới, xác định vị trí và giá trị pháp lý của hai mảnh đất. Đất có cây trồng và hàng rào lưới nhưng toà không định giá để xem xét giải quyết. Do đó, Toà án cấp phúc thẩm đã huỷ bản án hành chính sơ thẩm và giao cho Toà án nhân dân cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Ngoài ra còn nhiều vi phạm về mặt tố tụng trong vụ án hành chính như vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ, tách nhập vụ án, áp dụng pháp luật,…. Trong quá trình xem xét vụ án để tham gia bảo vệ cho đương sự, luật sư cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, hồ sơ tài liệu trong vụ án để có những phương án bảo vệ khách hàng tốt nhất, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

MINH NGUYET LAW trong quá trình tham gia các vụ án hành chính, ngoài việc nghiên cứu các quy định của pháp luật, các luật sư còn chú trọng trong việc nghiên cứu án lệ, các thông báo rút kinh nghiệm của toà án, viện kiểm sát, bản án có tính chất tương tự để từ đó đúc kết được nhiều kinh nghiệm, đưa ra định hướng giải quyết tốt nhất cho khách hàng. Chúng tôi luôn đảm bảo trong khâu xem xét hồ sơ, tài liệu và đánh giá chứng cứ một cách toàn diện nhất, không bỏ sót bất kì chi tiết nào để từ đó có cái nhìn khách quan nhất về vụ án, cũng như đưa ra ý kiến tư vấn và giải quyết tốt nhất cho khách hàng.

Mọi thắc mắc pháp lý xin liên hệ:

TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ - Luật sư Quận 6

Luật sư Trần Thị Hoà

Hotline: 0973.520.805

Email: cvtranhoa@gmail.com.