Bài Viết Mới

TRANH CHẤP YÊU CẦU TUYÊN BỐ HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU (P1)

Phần 1: Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, cưỡng ép, đe doạ

A/ Quy định của pháp luật:

Căn cứ theo quy định tại Điều 127 BLDS 2015 quy định:

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Điều 407 BLDS 2015:

1. Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.

2. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

3. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.

BLDS có định nghĩa về thế nào là lừa dối, nhưng trong thực tế để chứng minh mình bị lừa dối khi ký kết hợp đồng dân sự hay thực hiện một giao dịch dân sự nào đó là một điều không hề dễ dàng. Đa phần hành vi cố ý của một bên hoặc bên thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về mặt chủ thể, tính chất, đối tượng của giao dịch dân sự được thể hiện qua lời nói hoặc hành động mà ít khi được lưu giữ lại thông qua văn bản hoặc hình ảnh để chứng minh. Nên khi giao dịch dân sự đã xảy ra thì người bị lừa dối không chứng minh được là mình bị lừa dối.

Trong quá trình hành nghề, luật sư đã gặp một trường hợp bị lừa dối mà người bị lừa dối không thể chứng minh được vì không có bất kì văn bản nào được lưu lại. Trường hợp này là của cụ bà Nguyễn Thị A, 80 tuổi, ngụ tại Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Bà bị nhà nước thu hồi đất để làm dự án mở đường tại đường Bến Vân Đồn, Quận 4, TP HCM và được một suất mua nhà tái định cư với giá 700 triệu đồng. Con gái bà muốn bà về sống chung để tiện chăm sóc nên bà muốn bán suất mua nhà tái định cư với giá 1 tỷ đồng. Sau đó có một người môi giới tên Hồng tìm gặp bà và nói có thể bán giúp bà, phí môi giới là 50 triệu đồng, bà đồng ý. Tuy nhiên, người môi giới tìm được khách mua thì chở bà đến VPCC lập Hợp đồng và nói là ký hợp đồng rồi giao trước 700 triệu, số còn lại sẽ giao sau. Bà tin lời người môi giới và không biết chữ nên đã ký hợp đồng. Sau đó, bà tìm đến người môi giới để yêu cầu trả tiền thì người này nói đã giao đủ vì trên hợp đồng ghi rõ giá chuyển nhượng chỉ có 700 triệu đồng.

Rõ ràng nếu chỉ thông qua lời nói của bà A thì giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối nhưng quá trình thực hiện vụ việc thì rất khó khăn vì bà cụ đã lớn tuổi, không biết chữ và toàn bộ chứng cứ chỉ là lời nói miệng từ phía bà A, không có bất kì chứng cứ nào chứng minh. Trong khi đó, Hợp đồng công chứng đã thể hiện rõ giá chuyển nhượng chỉ có 700 triệu đồng và đã giao đủ tiền.

B/ TÌNH HUỐNG PHÂN TÍCH:

Bản án số 08/2020/DSPT của TAND tỉnh Thanh Hoá về tuyên bố hợp đồng công chứng vô hiệu ngày 13/02/2020 là một vụ án có liên quan đến hợp đồng dân sự vô hiệu do bị lừa dối, cụ thể như sau:

Nội dung vụ án: bà Lê Thị L có một mảnh đất tái định cư 150 m2 đứng tên bà. Bà có ba người con gái, lần lượt là Lê Thị T2, Lê Thị T và Lê Thị H. Vì con gái út lấy chồng xa nên bà có ý định cho chị Lê Thị H 50m2 trong mảnh đất trên để sau này về ở cạnh bà. Biết được ý định trên của bà, con gái thứ hai là Lê Thị T nói với bà sẽ giúp làm thủ tục tặng cho 50m2 tại UBND huyện và kêu bà đưa sổ đỏ cho T. Bà T tin tưởng con gái nên đã giao bản chính sổ đỏ cho T để T đi làm giấy tờ.

Sau đó một thời gian thì T gọi bà L và chị H đi ký giấy tờ công chứng để làm thủ tục tặng cho. T nói với bà L chỉ làm thủ tục tặng cho 50 m2 cho H và nhân viên VPCC cũng không giải thích gì nhiều cho bà nên bà tin tưởng con gái và ký vào Hợp đồng tặng cho. Nhân viên VPCC còn kêu bà ký khống vào một số tờ giấy trắng, nói là chỉ làm thủ tục tách thửa và bổ sung nội dung sau.

Tuy nhiên, sau đó bà L biết được chị T đã được cấp GCN đối với toàn bộ 150 m2 đất của bà. Bà đi hỏi lại thì mới biết, Hợp đồng tặng cho lúc đó bà ký không phải chỉ tặng cho 50 m2 mà là tặng cho toàn bộ 150 m2 đất cho chị T. Bà L cho rằng chị T và chị H đã lừa dối bà nên đã khởi kiện tại TAND huyện Tĩnh Gia.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Tĩnh Gia và BA phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hoá đồng quan điểm khi: Tuyên bố hợp đồng tặng cho giữa bà L và chị T là vô hiệu do bị lừa dối vì hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất trên trái với ý chí của bà L và đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất tại UBND xã lập trước ngày ký hợp đồng tặng cho 10 ngày.

Trong thực tế có rất nhiều trường hợp tương tự như trường hợp của bà Lê Thị L và có rất nhiều trường hợp không bảo vệ được quyền lợi của mình vì nguyên đơn là người có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là hợp pháp. Hợp đồng công chứng có sự xác nhận của VPCC và công chứng viên, toàn bộ giấy tờ đã ký đầy đủ, tuy thời điểm ký là ký giấy trắng. Vậy làm sao để chứng minh được là lúc đó mình ký giấy trắng khi không có bất kì chứng cứ nào để thuyết phục Hội đồng xét xử?

 

Mọi thắc mắc pháp lý xin vui lòng liên hệ:

Hotline: 0973.520.805

Email: cvtranhoa@gmail.com