Bài Viết Mới

TỘI GIẾT NGƯỜI (ĐIỀU 123 BLHS 2015)

Điều 123 BLHS 2015 quy định:

“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

  1. Giết 02 người trở lên;
  2. Giết người dưới 16 tuổi;
  3. Giết phụ nữ mà biết là có thai;
  4. Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
  5. Giết ông, bà cha, mẹ người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
  6. Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
  7. Để thực hiện hoặc che giâú tội phạm khác;
  8. Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
  9. Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
  10. Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
  11. Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người
  12. Thuê giết người hoặc giết người thuê;
  13. Có tính chất côn đồ;
  14. Có tổ chức;
  15. Tái phạm nguy hiểm;
  16. Vì động cơ để hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 đến 05 năm.”

                                                        

So với BLHS 1999, BLHS năm 2015 đã có nhiều sự thay đổi tại khoản 1, cụ thể: cụ thể hoá một số điều khoản còn gây tranh cãi như giết nhiều người thành giết hai người trở lên, giết trẻ em thành giết người dưới 16 tuổi. Còn lại các nội dung khác không có sự thay đổi so với quy định tại Điều 93 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Một số tình tiết thể hiện tính nguy hiểm cao của tội phạm được giải thích như sau:

1/ Giết người vì động cơ đê hèn (điểm p)

Là giết người vì tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc (ví dụ giết người để cướp vợ hoặc chồng nạn nhân, giết tình nhân đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm, giết người đã cho vay, giúp đỡ khắc phụ khó khăn, hoạn nạn nhằm trốn nợ,….)

2/ Giết người để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác (điểm g)

Động cơ “để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác” là tình tiết định khung của tội giết người quy định ở Điều 123 BLHS. Còn tội phạm khác có thể là tội phạm nghiêm trọng hoặc tội ít nghiêm trọng (theo Điều 9 phân loại tội phạm) cần được xử lý theo một tội danh riêng.

Nếu tội phạm khác cần xét xử thì xét xử về hai tội (tội giết người và tội phạm khác), quyết định hình phạt đối với từng tội phạm (tuần tự theo thời gian thực hiện rồi tổng hợp thành hình phạt chung, như hiếp dâm xong rồi giết nạn nhân để che giấu tội phạm thì bị xử lý về tội hiếp dâm (Điều 141) và tội giết người (Điều 123).

Nếu tội khác có tính chất, mức độ nguy hiểm hạn chế (như phạm tội chưa đạt, hậu quả chưa xảy ra hoặc không đáng kể…), mà xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự thì có thể không xét xử về tội phạm đó, nhưng phải phân tích trong bản án.

3/ Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (điểm f)

Là tình tiết định khung của Điều 123 BLHS. Liền trước đó hoặc ngay sau đó là vừa kết thúc tội phạm trước đã thực hiện ngay tội phạm sau. Người phạm tội có tính nguy hiểm cao (trong cùng một thời gian rất ngắn phạm hai tội nghiêm trọng) phải xử lý về hai tội (tội giết người theo Điều 123 và tội nghiêm trọng khác). Hình phạt được quyết định đối với mỗi tội phạm và tổng hợp thành hình phạt chung.

4/ Thực hiện tội giết người một cách man rợ (điểm i)

Là các trường hợp như một kẻ phạm tội không còn tính người, dùng những thủ đoạn gây đau đớn cao độ, gây khiếp sợ đối với nạn nhân hoặc gây khủng khiếp, rùng rợn trong xã hội như móc mắt, sẻo thịt, moi gan, chặt người ra từng khúc,…. Các trường hợp giết người chặt xác, giết người đốt xác,.... có thể được coi là thực hiện hành vi giết người một cách man rợ. 

5/ Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (điểm d)

Công vụ là một công việc mà cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội giao cho một người thực hiện. Người thực hiện một công việc vì nghĩa vụ công dân (như bắt giữ kẻ phạm tội đang chạy trốn), tuy không phải người thi hành công vụ nhưng nếu do công việc đó mà họ bị giết thì họ có thể được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội như đối với người thi hành công vụ và hành vi của kẻ giết người đó cũng bị xử lý theo điểm d khoản 1 Điều 123.

Kẻ giết người có thể thực hiện tội phạm khi nạn nhân sắp thi hành công vụ hoặc đang thi hành công vụ để cản trở họ thi hành công vụ, hoặc giết người đã thi hành công vụ để trả thù hoặc để đe doạ người khác.

6/ Phạm tội có tổ chức (điểm n):

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa “những người cùng thực hiện tội phạm”. Do đó, cần phải phân biệt phạm tội có tổ chức với những trường hợp đồng phạm khác, vì phạm tội có tổ chức là một trong những tình tiết tăng nặng tại điểm a khoản 1 Điều 52 và đối với nhiều tội phạm, phạm tội có tổ chức còn là tình tiết định khung hình phạt cao hơn. Việc xác định phạm tội có tổ chức nhiều khi còn có hậu quả là Toà án nhân dân cấp huyện không có thẩm quyền xét xử vụ án và nếu khung hình phạt được áp dụng có mức cao nhất là tử hình thì Điều 254 BLTTHS còn quy định Hội đồng xét xử phải có 5 người (2 thẩm phán và 03 Hội thẩm nhân dân) và Điều 76 BLTTHS quy định là nếu bị cáo không nhờ người bào chữa thì toà án phải yêu cầu đoàn luật sư cử người bào chữa cho bị cáo.

Để phân biệt phạm tội có tổ chức với những trường hợp đồng phạm khác cần chú ý đến các vấn đề sau:

- Trong phạm tội có tổ chức và những trường hợp đồng phạm khác đều phải có từ 02 người trở lên cố ý cùng tham gia phạm tội và có sự nhất trí của những người cùng thực hiện tội phạm. Nếu cùng thực hiện tội phạm mà không có sự nhất trí thì không phải là đồng phạm (thí dụ: nhiều người cùng vào hôi của một nhà máy bị cháy nhưng không có bàn bạc trước hay xúi giục nhau phạm tội).

- Nói chung, trong các trường hợp đồng phạm những người phạm tội thường có bàn bạc trước và sự phân công thực hiện tội phạm, nhưng không phải bất cứ trường hợp nào có bàn bạc trước và có sự phân công thực hiện tội phạm đều là phạm tội có tổ chức, vì phạm tội có tổ chức phải có sự phân công chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Vì vậy, nếu việc thực hiện tội phạm giản đơn, không đòi hỏi phải có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng, chu đáo thì không phải phạm tội có tổ chức. Thí dụ: hai thanh niên muốn có tiền tiêu nên rủ nhau đi ăn cắp xe đạp, khi gặp người để xe sơ hở đã phân công một người canh gác, một người lấy xe…

- Phạm tội có tổ chức giữa những người cùng thực hiện phạm tội. Trong thực tế, sự câu kết này có thể thể hiện dưới các dạng sau đây:

  • Những người đồng phạm đã tham gia một tổ chức tội phạm như đảng phái, hội, đoàn phản động, băng, ổ trộm, cướp,… có những tên chỉ huy, cầm đầu. Tuy nhiên, cũng có khi sự tổ chức phạm tội không có những tên chỉ huy, cầm đầu mà chỉ là sự tập hợp những tên chuyên phạm tội đã thống nhất cùng nhau hoạt động phạm tội. Thí dụ: sau khi hết hạn tù, một số tên chuyên trộm cắp đã tập hợp nhau lại và thống nhất cùng nhau tiếp tục hoạt động phạm tội.
  • Những người đồng phạm đã cùng nhau phạm tội nhiều lần theo một kế hoạch đã thống nhất trước. Thí dụ: một số nhân viên nhà nước đã thông đồng với nhau tham ô nhiều lần, một số tên chuyên cùng nhau đi trộm cướp, một số tên hoạt động đầu cơ, buôn lậu có tổ chức đường dây để nắm nguồn hàng, vận chuyển, thông tin về giá cả,…
  • Những người đồng phạm chỉ thực hiện tội phạm một lần nhưng đã có tổ chức thực hiện tội phạm theo một kế hoạch được tính toán kĩ càng, chu đáo, có chuẩn bị phương tiện phạm tội và có khi còn chuẩn bị cả kế hoạch che giấu tội phạm. Thí dụ: trong các trường hợp trộm cắp, cướp tài sản của công dân mà có sự phân công điều tra trước về nơi ở, quy luật sinh hoạt của gia đình chủ nhà, phân công chuẩn bị phương tiện tiện và hoạt động của mỗi người đồng phạm; tham ô có bàn bạc trước về kế hoạch sửa chữa chứng cứ sổ sách, huỷ chứng từ, tài liệu hoặc làm giả giấy tờ, giết người mà có sự bàn bạc hoặc phân công điều tra sinh hoạt của nạn nhân, chuẩn bị phương tiện và kế hoạch che giấu tội phạm ….

Đối với những trường hợp pháp luật quy định phạm tội có tổ chức là tình tiết định khung hình phạt cao hơn thì hành vi của người phạm tội được xét xử theo khung đó, không viện dẫn thêm điểm a khoản 1 Điều 52 BLHS 2015, tức là phải căn cứ vào vai trò trách nhiệm và nhân thân của mỗi người phạm tội. Nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 thì toà án vẫn có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

Nếu xác định là phạm tội có tổ chức nhưng không phải trường hợp định khung hình phạt cao hơn thì toà áp dụng khoản 1 Điều 52 và quyết định mức hình phạt nghiêm khắc hơn nhưng không vượt quá mức cao nhất của khung hình phạt.

Ngoài các trường hợp phạm tội có tổ chức nêu trên, BLHS còn quy định những trường hợp tổ chức thực hiện tội phạm thành những tội danh riêng biệt như Điều 183 tội tổ chức tảo hôn, Điều 187 tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, Điều 255 tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, Điều 265 tội tổ chức đua xe trái phép, Điều 322 tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, Điều 349 tội tổ chức môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Trong những trường hợp này người phạm tội là người đứng ra tổ chức người khác thực hiện tội phạm, đồng thời là người cùng thực hiện tội phạm đó. Bộ luật hình sự đã quy định những trường hợp này tạo thành tội riêng biệt với hình phạt riêng nên không vận dụng tình tiết tặng nặng là phạm tội có tổ chức theo điểm a khoản 1 Điều 52.

 

7/ Có tính chất côn đồ (điểm m)

Căn cứ theo Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 và tại Hội nghị tổng kết ngành toà án năm 1995 có hướng dẫn về tình tiết có tình chất côn đồ như sau: “khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thâm chí giết người.

Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự của người khác gây gỗ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quyện vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Đó là hành vi có tính chất côn đồ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ.”

Án lệ số 17/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán TNADTC thông qua ngày 17/10/2018 của chánh án TANDTC về tính tiết có tính chất côn đồ trong tội giết người có đồng phạm. Cụ thể: chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt của người bị hại mà bị cáo hành vi phạm tội hết sức dã man.

Hay tại Bản án số 38/2018/HS-PT ngày 22-01-2018 của TAND cấp cao tại TP.HCM có nội dung như sau: Nạn nhân và bị cáo trước đây là vợ chồng, đã ly hôn năm 2017. Một ngày, bị cáo đến nhà nạn nhân lấy tiền lãi trả ngân hàng thì nhìn thấy túi xách của nạn nhân trên bàn, nghi ngờ nạn nhân buôn bán ma tuý nên đã mở túi ra. Hai bên giằng co qua lại thì bị cáo giật túi xách và bỏ đi. Nạn nhân đã báo công an và cho rằng bị cáo cướp túi xách của mình, trong đó có 32 triệu đồng. Nhưng qua kiểm tra thực tế trong túi xách chỉ có 80.000đ. Do trước đó có nhiều mâu thuẫn, nạn nhân lại vu khống cho bị cáo lấy tiền nên bị cáo mới có ý định giết người. Sau đó, bị cáo có hành vi dùng dao chém liên tiếp nhiều nhát vào vùng đâu, mặt, tay của nạn nhân, gây thương tích 72%. Toà án nhận định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất côn đồ, coi thường tính mạng của người khác, nên tuyên xử bị cáo theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS 1999.

“Có tính chất côn đồ” là một tình tiết định khung tăng nặng hình phạt được quy định trong các Điều 123, Điều 134,… hay là tình tiết tăng nặng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 BLHS 2015. Hiện tại chưa có hướng dẫn chi tiết cho việc áp dụng tình tiết này cụ thể như thế nào, chỉ dựa trên tinh thần tại Công văn số 38/NCPL và dựa trên tình huống thực tế, hoàn cảnh, hành vi, mục đích, nguyên nhân phạm tội phân tích toàn diện vụ án để xem xét xem hành vi của bị cáo có tính chất côn đồ hay không.

8/ Giết thầy giáo, cô giáo của mình (điểm e)

Theo tinh thần tại mục 3.3 Nghị Quyết 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn về tình tiết “đối với thầy giáo, cô giáo của mình” quy định tại điểm đ khoản 1 điều 104 BLHS 1999 (nay là điểm d khoản 1 điều 134 BLHS 2015) thì:

Chỉ áp dụng tình tiết “đối với thầy giáo, cô giáo của mình” quy định tại điểm đ khoản 1 điều 104 để xét xử bị cáp theo khoản 1 Điều 104 của BLHS khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

Nạn nhân là thầy giáo, cô giáo tức là người đã hoặc đang làm công tác giảng dạy theo biên chế hoặc theo hợp đồng tại cơ quan, tổ chức có chức năng giáo dục, đào tạo, dạy nghề được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của nạn nhân là vì lý do thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, dạy nghề của họ đối với bị cáo, không phân biệt nhiệm vụ đó đã được thực hiện hay đang thực hiện và không kể thời gian dài hay ngắn.

Tỷ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11%.

 

9/ Các trường hợp khác cần lưu ý:

Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người.

Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mua màng thì cần phân biệt như sau:

Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nói có nhiều người qua lại, cho dù có làm biển báo hiệu, biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.

Nếu người sử dụng đện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra… nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.

Lưu ý: hành vi giết người vì mê tín (như cho người khác có ma chài….) không được quy định cụ thể tại Điều 123. Theo thực tiễn xét xử có thể vận dụng như sau: nếu người thực hiện hành vi giết người thực sự mê tín, lạc hậu, thì bị xử lý theo khoản 2 Điều 123 và điểm m khoản 1 Điều 51 (phạm tội do lạc hậu); nếu người phạm tội do lợi dụng mê tín để giết người vì động cơ đê hèn thì xử lý theo điểm q khoản 1 Điều 123.

 

Mọi thắc mắc pháp lý xin liên hệ:

TƯ VẤN PHÁP LUẬT MIỄN PHÍ – Luật sư quận 6

Luật sư Trần Thị Hoà

Hotline: 0973.520.805

Email: cvtranhoa@gmail.com

 

luat su hinh su quan 6, luật sư hình sự quận 6, luật sư uy tín quận 6, luat su uy tin, luat su uy tin quan 6, toi giet nguoi, tội giết người, giết người đi tù bao nhiêu năm, giết người có tính chất côn đồ, giết người khoản 1 điều 123, giết người khoản 2 điều 123, giết người lãnh án bao nhiêu năm, giết người có tính chất côn đồ, giết người mang tính chất côn đồ