Bài Viết Mới

TỘI GIẾT NGƯỜI TRONG TRẠNG THÁI TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG MẠNH (ĐIỀU 125 BLHS 2015)

Điều 125 BLHS 2015 quy định:

  1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng 03 năm.
  2. Phạm tội đối với 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 đến 07 năm.

 

Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Nói chung sự kích động mạnh đó phải tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn đến hành vi giết người. Nhưng cá biệt có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỉ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được, nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người đó, tuy làm cho người phạm tội bị kích động mạnh nhưng nói chung chưa đến mức phạm tội. Nếu hành vi trái pháp luật đó trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm, thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng (theo Điều 22) hoặc do vượt quá phòng vệ chính đáng (Điều 126).

Trong trường hợp cá biệt, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân cấu thành tội phạm nhưng là tội ít nghiêm trọng (như Tội làm nhục người khác, Tội vu khống) thì được coi là giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh và có thể được xử lý theo Điều 125.

Ví dụ: hai anh em đồng hao ở chung nhà bố, mẹ vợ, người anh thường xuyên làm nhục thô bạo và trắng trợn vu khống người em, đến thời điểm nào đó lại lăng nhục người em nên bị người em giết.

Đối với trường hợp người dùng chất say (uống rượu) hoặc chất kích thích mạnh khác mà bị say, nhân có hành vi trái pháp luật không nghiêm trọng của nạn nhân mà thực hiện hành vi giết người, thì không coi là trường hợp phạm tội do bị kích động mạnh. Phải tuỳ theo hoàn cảnh, tính chất và mức độ sai trái của hành vi do nạn nhân thực hiện, cũng như các tình tiết khác của vụ án mà có thể bị xử lý theo Điều 123 về Tội giết người.

Để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa kích động với kích động mạnh, cần xem xét một cách khác quan, toàn diện các mặt: thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, diễn biến nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc, mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội, trình độ văn hoá chính trị, tính tình, cá tính của mỗi bên; mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.

Theo án lệ số 28/2019/AL về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 22/8/2019, có nội dung án lệ như sau: “Bị hại là người gây sự trước, tấn công bị cáo trước. Hành vi tấn công của bị hại diễn ra liên tục với mức độ tăng dần. Hành vi của bị hại là trái pháp luật, xâm phạm sự an toàn về thân thể của bị cáo. Trong trạng thái bị kích động dẫn đến mất khả năng tự chủ, không nhận thức hết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mình, bị cáo dùng dao đâm vào ngực bị hại là nhằm thoát khỏi sự tấn công. Do đó, có đủ cơ sở xác định Trần Văn C đã bị kích động mạnh về tinh thần. Tòa án cấp sơ thẩm kết án Trần Văn C về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là có căn cứ”.

“Bị hại là người gây sự trước, tấn công bị cáo trước. Hành vi tấn công của bị hại diễn ra liên tục với mức độ tăng dần” được diễn ra như sau:

· Bị hại hỏi mượn tiền, C không cho mượn

· Bị hại đưa hai chiếc điện thoại để cầm cố mượn tiền, C vẫn không đồng ý.

· Bị hại lại tiếp tục đến mượn tiền, C vẫn không cho

ð Bị hại chửi C: “Đ.M mày, nhớ mặt tao”

· Ít phút sau, bị hại lại tiếp tục đến đấm vào má trái C, gây chảy máu (thương tích 02%)

· C bị đánh nên cầm con dao gọt trái cây, đứng lên ghế, quơ qua quơ lại

ð Bị hại tiếp tục lao đến, C dùng dao quơ trúng mặt bị hại làm chảy máu.

ð Bị hại xông đến, kéo C xuống ghế, dùng hai tay kẹp cổ C

ð C bị kẹp cổ, dùng con dao thái lan trong tay mình đâm 01 nhát trúng ngực bị hại.

Có thể nhận thấy, bị hại đã có hành vi gây sự trước. Bị cáo sau khi bị đấm, cầm dao đứng lên ghế quơ qua quơ lại. Điều này thể hiện, bị cáo không có ý định tấn công bị hại mà chỉ nhằm ngăn chặn sự tấn công của bị hại, nhưng bị hại lại bất chấp việc bị cáo cầm dao mà vẫn lao vào.

Mọi thắc mắc pháp lý xin liên hệ:

Luật sư Trần Thị Hoà

Hotline: 0973.520.805

Email: cvtranhoa@gmail.com