Bài Viết Mới

TÌNH TIẾT THÀNH KHẨN KHAI BÁO, ĂN NĂN HỐI CẢI

“Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Trước đây được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 38 BLHS 1985 và điêm p khoản 1 Điều 46 BLHS 1999.

                                                

Vậy trong trường hợp nào thì người phạm tội được Toà án áp dụng tình tiết này khi xét xử?

Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là thái độ của người phạm tội tại cơ quan tiến hành tố tụng đối với hành vi phạm tội của mình gây ra. Người phạm tội ngay từ đầu đã khai báo đầy đủ và đúng sự thật diễn biến việc phạm tội của mình, phù hợp với các hồ sơ chứng cứ và lời khai của người bị hại, người làm chứng hay các đồng phạm khác. Người phạm tội nhận ra lỗi lầm của mình, ăn năn hối cải đối với những hành vi mình đã gây ra. Tuy nhiên cũng có vài trường hợp, người phạm tội không thành khẩn khai báo ngay từ đầu, vậy những trường hợp đó họ có được hưởng tình tiết giảm nhẹ này không?

Thứ nhất: đối với trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình nhưng không thừa nhận đã phạm tội do thiếu hiểu biết?

Theo tinh thần tại Mục 23 Công văn giải đáp số 16/1999 /KHXX của TAND Tối cao về một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng thì:

“…được coi là tình Tiết giảm nhẹ nếu người phạm tội tự thú, thật thà khai báo, ăn năn hối cải hoặc tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm. Như vậy, đối với trường hợp người phạm tội thật thà khai báo về hành vi của họ thực hiện nhưng do không hiểu biết về pháp luật nên cho rằng hành vi của họ là hợp pháp, không thừa nhận là đã phạm tội, nhưng sau khi được cơ quan tiến hành tố tụng phân tích giải thích, họ biết được tội lỗi và ăn năn hối cải, thì xét xử, Toà án cần cho họ được hưởng tình tiết “Thật thà khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại khoản h khoản 1 Điều 38 BLHS.

Đối với trường hợp tuy nhận đầy đủ những hành vi mà họ thực hiện như quanh co không nhận lỗi và mặc dù cơ quan tiến hành tố tụng phân tích giải thích nhưng họ vẫn tỏ ra ngoan cố, không chịu ăn năn hối cải, thì khi xét xử, toà án không áp dụng tình tiết “Thật thà khai báo, ăn năn hối cải” đối với họ.”

Dựa vào nội dung này có thể hiểu rằng, đối với những người phạm tội đã thành thật khai báo toàn bộ nội dung, sự việc diễn ra nhưng họ không nhận ra lỗi lầm của mình, tức không ăn năn hối cải. Nhưng sau khi được giải thích cặn kẽ thì họ nhận ra lỗi lầm của mình thì vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”.

Ví dụ: những người ở vùng sâu vùng xa, tổ chức lễ thành hôn cho con chưa đủ tuổi, tuy đã bị xử phạt hành chính nhưng họ vẫn tiếp tục tổ chức. Họ thành khẩn khai báo về những hành vi của mình nhưng không nhận tội do không hiểu biết quy định của pháp luật. Tuy nhiên sau khi được những người có thẩm quyền giải thích thì họ nhận ra lỗi của mình và ăn năn hối lỗi về hành vi của mình.

Thứ hai: Người phạm tội bị bắt quả tang đã khai báo đầy đủ hành vi phạm tội của mình, thì có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” quy định tại điểm p khoản 1 điều 46 BLHS năm 1999 hay không?

Tại Mục 5 Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của TANDTC về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ có nội dụng:

“Mặc dù người phạm tội bị bắt quả tang nhưng sau khi bị bắt đã khai báo đầy đủ hành vi phạm tội của mình phù hợp với tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án thì Toà án áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 cho họ. Nếu sau khi bị bắt người phạm tội quanh co, chối tội hoặc khai báo không đúng sự thật của vụ án và chỉ sau khi cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh được đầy đủ hành vi phạm tội của họ, họ mới nhận sự việc phạm tội của họ đúng như cơ quan tiến hành tố tụng đã chứng minh, thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS.

Tuy nhiên, trong trường hợp tại cơ quan điều tra hoặc tại phiên toà sơ thẩm người phạm tội quanh co chối tội hoặc khai báo không đúng sự thật, nhưng sau khi có kết luận Điều tra hoặc sau khi xét xử sơ thẩm đến phiên toà phúc thẩm đã khai báo lại một cách đầy đủ và đúng sự thật diễn biến việc phạm tội, thì vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo đối với họ, nhưng mức độ giảm nhẹ trong trường hợp này không thể bằng trường hợp ngay từ đầu họ đã khai báo đầy đủ và đúng sự thật diễn biến việc phạm tội.”

Phạm tội bắt quả tang là trường hợp người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kì người nào cũng có quyền đuổi bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất (Điều 111 BLTTHS 2015). Trường hợp này việc người phạm tội thành khẩn khai báo về diễn biến sự việc phạm tội, hành vi phạm tội của mình thì vẫn được hưởng tình tiết “thành khẩn khai báo”.

Ví dụ: một người cướp tài sản bị người khác phát hiện, đuổi bắt được và gọi công an phường đến áp giải về cơ quan công an có thẩm quyền. Trong quá trình điều tra, người phạm tội thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với hồ sơ chứng cứ của vụ án thì vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo.

Mọi thắc mắc pháp lý xin liên hệ:

Luật sư Trần Thị Hoà

Hotline: 0973.520.805

Email: cvtranhoa@gmail.com

thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thanh khan khai bao, an nan hoi cai, tinh tiet giam nhe thanh khan khai bao, thanh khan khai bao la gi, tinh tiet thanh khan khai bao, pham toi thanh khan khai bao, thành khẩn khai báo là gì, tình tiết thành khẩn khai báo, phạm tội thành khẩn khai báo, luat su hinh su quan 6, luật sư hình sự quận 6, luat su quan 6, luật sư quận 6