Bài Viết Mới

MỘT HÀNH VI CẤU THÀNH NHIỀU TỘI

 

Xử lý trường hợp người thực hiện một hoặc nhiều hành vi thoả mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của nhiều tội.

Tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24-5-2019 hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền có hướng dẫn “Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn”

Tại khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15-8-2019 hướng dẫn áp dụng các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự về nhóm tội trong lĩnh vực bảo hiểm có hướng dẫn: “Người thực hiện hành vi làm giả hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm y tế để chiếm đoạt tiền bảo hiêm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc gây thiệt hại ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại các Điều 214 hoặc Điều 215 của Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu làm giả của cơ quan, tổ chức, quy định tại Điều 341 của Bộ luật Hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.”

Tại mục 10 Phần I Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 giải đáp vướng mắc đối với trường hợp người thực hiện hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao có giải đáp: “Hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 02 khách thể khác nhau được Bộ luật Hình sự bảo vệ (quy định tại Điều 174 và Điều 351 của Bộ luật Hình sự nên nếu hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự về cả tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341)”

Tuy nhiên, sau khi các hướng dẫn này được ban hành vẫn có ý kiến, nhận thức không thống nhất. Cụ thể:

- Có ý kiến cho rằng trong các trường hợp nêu trên, người phạm tội chỉ thực hiện 01 hành vi nên chỉ bị xử lý về 01 tội theo quy định của Bộ luật Hình sự nếu hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

- Ý kiến khác lại cho rằng đây là chuỗi hành vi được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, hành vi này là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi kia nên phải xử lý về nhiều tội, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Về nội dung này, toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

* Trường hợp người thực hiện 01 hành vi nhưng thoả mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn.

Ví dụ: Nguyễn Văn A và đồng phạm dùng xăng đốt một số xe ô tô đang để trong sân của Công Ty B với mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng. Hành vi của A và đồng phạm vừa có dấu hiệu cấu thành tội khủng bố quy định tại Điều 299 BLHS, vừa có dấu hiệu của tội huỷ hoại tài sản quy định tại Điều 178 BLHS. Trong trường hợp này A và đồng phạm chỉ thực hiện 01 hành vi (đốt một số xe ô tô) nên nếu hành vi này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì A và đồng phạm cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố quy định tại Điều 299 BLHS.

* Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Ví dụ 1: do làm ăn thua lỗ nên ông Nguyễn Văn A làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa bán cho bà Nguyễn Thị C với giá 5 tỷ đồng. Hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông A có dấu hiệu cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức tại Điều 341 BLHS. Còn hành vi lừa bán mảnh đất để chiếm đoạt 5 tỷ đồng của bà C có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 của BLHS. Do đó, A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội, gồm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS, nếu mỗi hành vi đều có các yếu tố cấu thành tội phạm.

Ví dụ 2: do mâu thuẫn cá nhân, anh Nguyễn Văn A dùng khẩu súng K54 bắn vào đầu anh Trần Văn B, làm anh B tử vong. Hành vi sử dụng trái phép khẩu súng có dấu hiệu cấu thành tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng quy định tại Điều 304 của BLHS. Còn hành vi bắn làm anh B tử vong có dấu hiệu cấu thành tội giết người quy định tại Điều 123 của Bộ luật Hình sự. Do đó, A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội gồm tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng quy định tại Điều 304 và tội giết người quy định tại Điều 123 BLHS, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Ví dụ 3: Nguyễn Văn A là tổng giám đốc Tổng công ty B đã lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt của Tổng công ty số tiền 50 tỷ đồng. Sau đó, A dùng tiền tiền này đầu tư kinh doanh bất động sản. Hành vi lợi dụng chức vụ chiếm đoạt số tiền 50 tỷ đồng có dấu hiệu cấu thành tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 của BLHS. Còn hành vi dùng tiền tham ô được đầu tư kinh doanh bất động sản có dấu hiệu cấu thành tội rửa tiền quy định tại Điều 324 BLHS. Do đó, A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội, gồm tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 và tội rửa tiền theo quy định tại Điều 324 của BLHS, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Mọi thắc mắc pháp lý xin liên hệ:

Luật sư Trần Thị Hoà

Hotline: 0973.520.805

          Email: cvtranhoa@gmail.com