Bài Viết Mới

Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật thì phải bồi thường những gì?

Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động được xác lập dựa trên Hợp đồng lao động và được điều chỉnh bởi Bộ luật lao động cùng các quy định pháp luật có liên quan. Công ty chỉ được đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc với hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các trường hợp sau:

1/ Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động: việc đánh giá như thế nào là thường xuyên không hoàn thành công việc dựa trên quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành, có ý kiến tham khảo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Quá trình này cần được lập biên bản đối với những lần người lao động không hoàn thành công việc phù hợp với quy định của pháp luật.

2/ Người lao động bị bệnh đã điều trị 12 tháng liên tục theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc 06 tháng theo hợp đồng lao động có xác định thời hạn.

3/ Do thiên tai, dịch bệnh, thu hẹp sản xuất kinh doanh theo yêu cầu nhà nước,… mà người sử dụng lao động buộc phải giảm chỗ làm việc.

4/ Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động mà không có mặt tại công ty sau 15 ngày.

5/ Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu (nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi)

6/ Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên

7/ Người lao động không cung cấp trung thực các thông tin về tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề nghiệp, xác nhận tình trạng sức khoẻ,…làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Khi người sử dụng lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng phù hợp với các trường hợp 1, 2, 3, 5, 7 phải đảm bảo về thời gian báo trước:

  • Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn
  • Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động có xác định thời hạn
  • Ít nhất 03 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng.

Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng do người lao động tới tuổi nghỉ hưu hoặc tự ý bỏ việc liên tục trên 5 ngày thì không cần báo trước.

Các trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng được quy định tại Điều 36 BLLĐ 2019, ngoài các trường hợp này được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Người sử dụng lao động phải thực hiện các nghĩa vụ sau với người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật:

Một là: phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng đã giao kết. hai bên có thể thương lượng việc này, người lao động có thể chấp nhận đi làm lại hoặc không. Vị trí công việc nếu không còn thì người lao động phải phân công công việc khác phù hợp với người lao động.

Hai là: phải trả tiền lương trong những ngày người lao động không được làm việc.

Ba là: phải đóng BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động với những ngày không được làm việc.

Bốn là: trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

+ Nếu vi phạm thời hạn báo trước thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

+ Nếu người lao động không muốn đi làm lại thì người sử dụng lao động phải trả thêm trợ cấp thôi việc để chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Nếu người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì họ phải trả: trợ cấp thôi việc + trả thêm ít nhất hai tháng theo Điều 41 + bồi thường thêm ít nhất hai tháng tiền lương.

Một trường hợp cụ thể minh hoạ cho các điều khoản trên:

Ngày 30/11/2018, TAND thành phố HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án lao động “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa ông K và Công ty cổ phần PN.

Ngày 15/01/2017, ông K được nhận vào công ty PN vị trí chuyên viên an toàn lao động với mức lương 19 triệu đồng/tháng. Ngày 25/02/2017, công ty PN có Thông báo số 185-17/TB-CTPN cho ông K chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do: Công ty PN cho rằng ông K vi phạm nội quy lao động nhưng không lập biên bản ghi nhận sự việc. Ông K cho rằng công ty PN đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Do đó, Ông K đã khởi kiện tại Toà án có thẩm quyền. Bản án phúc thẩm của Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã buộc Công ty PN phải bồi thường cho ông K các khoản sau:

+ Bồi thường tiền lương trong những ngày không được làm việc: (từ 03/3/2017 đến 14/01/2018): 197.307.700 đồng.

+ 02 tháng tiền lương: 38.000.000 đồng.

Ngoài ra còn buộc công ty PN đóng BHXH, BHYT, BHTN theo mức lương 19 triệu đồng từ ngày 15/01/2017 đến 14/01/2018.