Bài Viết Mới

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Đây là một dạng tranh chấp khá phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Thông thường, việc vay tài sản giữa các cá nhân với nhau thường không lập thành hợp đồng mà chỉ thoả thuận miệng về số tiền vay, lãi suất hay thời hạn và chỉ ký tên vào phần nhận tiền. Vậy những giao dịch tương tự như vậy có thể khởi kiện tại Toà án hay không và nghĩa vụ chứng minh thuộc về ai?

Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện thuộc về đương sự có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo đó, người có yêu cầu khởi kiện có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu mình đưa ra là đúng. Dưới đây là một vụ án thực tiễn tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, ví dụ cho dạng tranh chấp này.

Theo Thông báo rút kinh nghiệm số 87/TB-VC2-V2 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ án tranh chấp kiện đòi tài sản thể hiện nội dung vụ án như sau:

Trình bày của nguyên đơn: Ngày 16/6/2015, do cần tiền làm ăn và dùng cho công việc gia đình nên ông Ngô Quang Tín có vay của bà Phan Thị Hiếu số tiền 500 triệu đồng, lãi suất 02%/tháng, không xác định thời hạn trả, khi nào bà Hiếu cần tiền thì thông báo trước cho ông Tín để thu xếp trả tiền. Ông Tín đã thanh toán được 21 tháng tiền lãi là 210 triệu đồng. Từ tháng 04/2017 đến thời điểm bà Hiếu khởi kiện, ông Tín không thanh toán nữa. Do đó, bà Hiếu khởi kiện yêu cầu ông Tín trả 500 triệu đồng tiền gốc và không yêu cầu trả lãi.

Tài liệu chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chỉ có một tài liệu có nội dung: “Ngày 16/6/2015 con Tín có nhận Bác Bảy 500 triệu đồng” có chữ ký ông Ngô Quang Tín.

Trình bày của bị đơn: Bị đơn là con của ông Ngô Đình Giai và bà Ngô Thị Đào, chủ DNTN Sáu Đào. Từ năm 2009 đến cuối tháng 3/2017, ông là nhân viên KCS của DNTN Sáu Đào. Bà Phan Thị Hiếu và DNTN Sáu Đào có mội quan hệ làm ăn, vay mượn tiền nhiều lần với nhau. Trong quá trình DNTN Sáu Đào vay tiền thường giao cho nhân viên đi nhận tiền (11 Nhân viên trong đó có ông Tín), ngoài ra còn nhờ 02 khách hàng của DN đi nhận tiền. Khoản tiền 500 triệu đồng trên là khoản vay của DNTN Sáu Đào, ông chỉ đi nhận tiền thay.

Trong quá trình giải quyết vụ án, Ông Tín có cung cấp các chứng cứ thể hiện, sau khi nhận tiền ông có đưa tiền cho thủ quỹ DNTN Sáu Đào. Tiền lãi chi trả hàng tháng là do kế toán của DNTN trả cho bà Hiếu và bà Hiếu cũng thừa nhận điều này. Để chứng minh cho quá trình vay mượn nhiều lần của DNTN Sáu Đào, ông Tín có yêu cầu cung cấp sổ ghi nợ của DNTN Sáu Đào để xác nhận nội dung những người đi nhận tiền thay cho DNTN đã được ghi trong Sổ nhưng bà Hiếu không cung cấp sổ vì cho rằng DNTN đã trả nợ xong nên không còn liên quan.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm số 03/2018/DS-ST ngày 19/4/2018 của TAND huyện Chư Sê quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông Tín có nghĩa vụ trả cho bà Hiếu số tiền 408 triệu đồng 9sau khi trừ đi phải lãi suất vượt quá quy định)

Ông Tín đã kháng cáo đối với bản án sơ thẩm trên. Ngày 31/10/2018, Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm, quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ngày 30/9/2019, Uỷ ban thẩm phán toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKS nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, huỷ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện Chư Sê xét xử lại sơ thẩm.

Thông qua vụ án này có thể rút kinh nghiệm một số nội dung sau:

Thứ nhất: theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện thuộc về nguyên đơn. Nguyên đơn chỉ cung cấp được một tài liệu chứng minh bị đơn có nhận tiền từ nguyên đơn, không thể hiện được chính xác nội dung vay tiền của hai bên. Bị đơn có các chứng cứ chứng minh cho việc nhận tiền thay của mình như nộp tiền lại cho thủ quỹ DNTN, quá trình vay mượn thường xuyên của DNTN Sáu Đào với nguyên đơn.

Do đó, nghĩa vụ chứng minh ông Tín vay hay chỉ nhận tiền là thuộc về cả phía nguyên đơn và bị đơn. Bị đơn có yêu cầu nguyên đơn cung cấp sổ ghi nợ của DNTN Sáu Đào nhưng nguyên đơn từ chối cung cấp.

Dựa trên quá trình thực tế của vụ việc có thể nhận thấy có tồn tại quá trình vay mượn thường xuyên của DNTN Sáu Đào và nguyên đơn. Các người làm chứng đều thừa nhận họ đã từng nhận tiền thay cho DNTN Sáu Đào theo như lời trình bày của bị đơn. Sổ ghi chép do nguyên đơn giữ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các lần ông Tín và nhân viên của DNTN Sáu Đào nhận tiền thay. Việc nguyên đơn không cung cấp sổ ghi nợ là không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn.

Thứ hai: lãi suất mà DNTN Sáu Đào đã trả là 210 triệu đồng tương đương với 21 tháng, 02% tháng. Thời điểm cho vay thì BLDS 2005 có hiệu lực, lãi suất cơ bản của nhà nước là 9%/năm. Mức lãi suất tối đa trong giao dịch dân sự là 13,5%/năm, tương đương với 1,125%/tháng. Vậy số tiền lãi phù hợp với quy định pháp luật là 118.125.000 đồng. Phần lãi suất vượt quá sẽ được cấn trừ vào số tiền gốc mà người vay phải trả cho người cho vay.

(Tại thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực, quy định lãi suất tối đa trong giao dịch cho vay là không quá 20%/năm, tương đương với 1,67%/tháng. Mức lãi suất mà nguyên đơn cho vay vượt quá quy định, nên phần vượt quá sẽ bị vô hiệu.)

Có rất nhiều trường hợp tư vấn luật sư như: “cho vay tiền mà không có ghi giấy tờ có kiện được không?”; “người vay chỉ ký vào sổ ghi nợ vậy có kiện được không?”; “cho vay lấy lãi thì có bị tội cho vay nặng lãi hay không?”; “người vay tiền có tài sản mà không chịu trả thì phải làm sao?”….

Thực chất, khởi kiện là quyền của đương sự. Các giấy tờ hay giấy ghi nợ là chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của họ là hợp pháp và có căn cứ. Do đó, nếu thực tế việc vay mượn có diễn ra và người vay tiền không thanh toán, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người cho vay thì họ đều có quyền khởi kiện.

Lãi suất quy định của pháp luật dân sự là không quá 20%/năm. Tội cho vay nặng lãi quy định tại Điều 201 BLHS là người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Theo quy định này thì hành vi cho vay nặng lãi chỉ cấu thành tội phạm khi:

Mức lãi suất cho vay gấp 05 lần mức cao nhất BLDS quy định. BLDS quy định mức cao nhất không quá 20%/năm, tương đương 1,67%/tháng. Vậy mức lãi suất trên 1,67 x 5 = 8,33%/tháng thì có đặc điểm của hành vi cho vay nặng lãi.

Thứ hai: hành vi cho vay với lãi suất trên 8,33%/tháng cho thu lợi bất chính trên 30 triệu đồng. Thu lợi bất chính ở đây là số tiền vượt quá số tiền được quy định trong Bộ luật dân sự.

Chẳng hạn: A cho B vay 100 triệu đồng, lãi suất 10%/tháng. B đã trả cho A số tiền 100 triệu đồng tương đương với 10 tháng tiền lãi, vẫn còn nợ lại tiền gốc. Vậy số tiền thu lợi bất chính là được tính như thế nào?

Theo quy định của pháp luật thì số lãi B phải trả là 16,7 triệu đồng (tương đương với mức lãi suất 1,67%/tháng). Số tiền B đã trả cho A là 100 triệu đồng, vậy tiền mà A thu lợi bất chính là 83,3 triệu đồng.

Hoặc hành vi cho vay với lãi suất trên 8,33%/tháng nhưng thu lợi bất chính dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì vẫu đủ yếu tố cấu thành tội cho vay nặng lãi.