Bài Viết Mới

Bố mẹ chồng cho đất nhưng khi vợ chồng ly hôn thì đòi lại đất?

Kết hôn là sự gắn kết giữa hai người xa lạ dựa trên tình cảm yêu thương gắn bó. Theo tập quán của người phương Đông, việc cha mẹ chồng hoặc vợ thường cho hai vợ chồng trẻ một mảnh đất để xây dựng nhà ở, an cư lạc nghiệp là không xa lạ gì. Khi mối quan hệ cơm lành canh ngọt thì vấn đề mâu thuẫn về quyền sử dụng đất chưa xảy ra, tuy nhiên khi mục đích hôn nhân không đạt được, rạn nứt về mặt tình cảm thì lúc này thường xảy ra tranh chấp giữa người cho tài sản là ba mẹ chồng, người chồng và người vợ. Vậy trong những trường hợp như vậy thì Toà án sẽ giải quyết như thế nào khi một trong hai bên có yêu cầu khởi kiện.

Theo Thông báo rút kinh nghiệm số 68/TB-VC1-DS ngày 25/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có đưa ra trường hợp nội dung vụ án như sau:

Anh Bùi Ngọc Lý và chị Kiều Thị Suốt kết hôn với nhau năm 1995, có đăng ký kết hôn tại xã Yên Phụ. Đến năm 2005 thì phát sinh mâu thuẫn do bất đồng quan điểm, nên sống ly thân đến năm 2015. Anh Lý có đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn, giành quyền nuôi con, phân chia tài sản và nghĩa vụ trả nợ trong thời kỳ hôn nhân.

1/ Về con chung: hai người có với nhau 5 người con. Người con lớn nhất sinh năm 1996 đã kết hôn, người nhỏ nhất sinh năm 2013.

2/ Về tài sản:

Thửa đất thứ nhất: Quyền sử dụng đất 155 m2, nguồn gốc của cha mẹ anh Lý. Sau khi anh Lý kết hôn thì cha mẹ anh cho hai vợ chồng ở trong căn nhà cấp 4 trên đất. Đến năm 2000, UBND xã có tiến hành đo đạc, lập hồ sơ yêu cầu các hộ đang sử dụng đất làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận, anh Lý đã làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận với thửa đất trên đứng tên anh. Sau đó, vợ chồng anh xây dựng một ngôi nhà ba tầng, kiên cố trên đất.

Thửa đất thứ hai: thửa đất diện tích 145 m2, kề bên đất của cha mẹ chồng anh Lý cho thì hai vợ chồng mua của ông Trần Văn Bình nhưng hai bên chỉ lập giấy tay và chưa làm thủ tục sang tên.

3/ Về nợ chung: hai vợ chồng anh chị có sử dụng Giấy chứng nhận QSDĐ của thửa đất thứ nhất để thế chấp ngân hàng, vay 300 triệu đồng. Bà Đỗ Thị Thì (mẹ anh Lý) đã trả nợ thay cho vợ chồng anh chị cả gốc và lãi khoản 328 triệu đồng.

Quá trình giải quyết của toà án:

Các vấn đề về giành quyền nuôi con, nghĩa vụ đối với khoản nợ chung và việc phân chia mảnh đất 145 m2 của ông Trần Văn Bình hai bên không có tranh chấp. Tuy nhiên đối với quyền sử dụng đất 155 m2 do cha mẹ anh Lý cho lúc hai người mới kết hôn có tranh chấp giữa các bên. Cụ thể:

Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định tài sản chung của vợ chồng gồm quyền sử dụng thửa đất thứ hai và giá trị căn nhà xây dựng trên đất.

Thửa đất thứ nhất được xác định là của bà Đỗ Thị Thì (mẹ anh Lý) với lý do: Nguồn gốc đất trên là của cha mẹ chồng anh Lý. Toà án cho rằng quyền sử dụng đất này bà Thì chỉ cho hai vợ chồng anh ở nhờ. Đến năm 2000, anh Lý tự ý kê khai mà không hỏi qua ý kiến vợ chồng bà Thì. Do đó, toà án tuyên huỷ Giấy chứng nhận đã cấp cho anh Lý.

Tuy nhiên, Toà án cấp cao tại Hà Nội nhận định:

Qua quá trình giải quyết, các đương sự thống nhất khai nguồn gốc là của bố mẹ chồng bà Thì cho vợ chồng bà. Sau khi anh Lý lấy chị Suốt, bà Thì chuyển vào vị trí khác và cho vợ chồng anh Lý ở riêng trên thửa đất này, khi đó bà nói miệng là cho vợ chồng anh Lý ở tạm, sau đó sẽ tính toán sau. Năm 2000, anh Lý tự kê khai và được UBND huyện cấp GCN đứng tên hộ anh Lý. Năm 2006, gia đình anh Lý xây nhà 03 tầng trên đất, khi xây nhà bà Thì không biết và sau khi biết thì bà nói: “Đã trót xây rồi thì sau này mẹ phân chia cho các con thì tính thế nào?” Sau đó không còn đề cập gì đến việc này nữa.

Vợ chồng anh Lý và chị Suốt trực tiếp quản lý, sử dụng từ đó đến này và đóng thuế đất. Năm 2000 xã Yên Phụ có chủ trương cho các hộ dân trong xã đăng ký kê khai để xét cấp GCN, trong đó hộ anh Lý đã kê khai. Danh sách các hộ kê khai được niêm yết công khai và được thông báo đến từng thôn. Anh Lý là người đang ở trên đất, đã đi kê khai và được cấp GCN. Sau đó thì xây nhà kiên cố trên đất, bà Thì và các con đều ở cùng thôn với anh Lý, chị Suốt biết nhưng không ai có ý kiến gì. Chỉ khi toà thông báo thụ lý đơn ly hôn của anh lý thì bà mới có khiếu nại về việc cấp GCN cho anh Lý. Điều đó thể hiện ý chí của gia đình bà đã cho anh Lý đất và anh Lý đã nhập diện tích đất vào tài sản chung của vợ chồng. Việc toà án cấp sơ thẩm xác định 155 m2 đất trnah chấp trên của bà Thì, từ đó buộc anh Lý, chị Suốt trả lại đất cho bà Thì là không đúng với án lệ số 03/2016 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

Từ vụ việc phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân của anh Bùi Thị Lý và Kiều Thị Suốt có thể nhận thấy các lưu ý sau:

Thứ nhất: tài sản chung của vợ chồng là tài sản được hình thành trong thời kì hôn nhân của vợ chồng. Thời kỳ hôn nhân được xác định từ thời điểm đăng ký kết hôn hợp pháp cho đến khi có quyết định ly hôn của Toà án có thẩm quyền. Ngoại trừ các trường hợp được tặng cho, thừa kế hoặc thoả thuận tài sản riêng của từng người mà không có thoả thuận nhập vào tài sản chung của vợ chồng.

Thứ hai: tài sản mà cha mẹ chồng hoặc cha mẹ vợ tặng cho hai vợ chồng, tuy về mặt hình thức không đảm bảo (hợp đồng tặng cho không đúng theo quy định) nhưng quá trình sử dụng cha mẹ chồng biết nhưng không ngăn cản, cho xây dựng nhà cửa kiên cố và cấp giấy chứng nhận cũng không có ý kiến hay tranh chấp gì thì xác định theo ý chí của người tặng cho là đã tặng cho tài sản và xác định là tài sản chung của vợ chồng.

Thứ ba: trong trường hợp không xét là tài sản chung của vợ chồng cũng phải xét đến công sức giữ gìn, tôn tạo tài sản.