Bài Viết Mới

Thủ tục đơn phương ly hôn

1/ CHỦ THỂ CÓ QUYỀN ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN

Căn cứ tại Điều 51 Luật HNGĐ 2014 thì chủ thể có quyền ly hôn là vợ hoặc chồng đều có quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn.

Trong trường hợp, một bên vợ hoặc chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo hành gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu toà án giải quyết ly hôn.

Lưu ý: trường hợp hạn chế, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 3 Điều 51 Luật HNGĐ).

Ví dụ 1: Vợ chồng ông H và bà Y chung sống không hạnh phúc, bà Y muốn ly hôn nhưng ông H không đồng ý. Trường hợp này, bà Y có quyền đơn phương yêu cầu toà án giải quyết ly hôn về nhân thân, con chung, tài sản và nợ chung.

Ví dụ 2: Bà A – vợ ông B bị bệnh tâm thần. Ông B thường xuyên đánh đập, chửi bới bà A. Trường hợp này, cha, mẹ hoặc người thân thích của bà A có thể đại diện cho bà A, có quyền yêu cầu Toà án giải quyết ly hôn.

Hoặc trường hợp ngược lại, ông B không bạo hành bà A nhưng ông B muốn ly hôn với bà A. Vì Luật HNGĐ chỉ hạn chế quyền yêu cầu ly hôn đối với người chồng trong trường hợp vợ đang mang thai hoặc nuôi con dứoi 12 tháng tuổi mà không có quy định hạn chế nào trong trường hợp vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần, nên ông B vẫn có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Tuy nhiên trong trường hợp này, toà án phải chỉ định người đại diện cho người vợ bị bệnh tâm thần sau khi có kết quả giám định tâm thần.

2/ HOÀ GIẢI TRƯỚC KHI LY HÔN:

Luật HNGĐ không bắt buộc hoà giải tại cơ sở mà chỉ khuyến khích hoà giải cơ sở. Việc hoà giải có thể thực hiện tại thôn, làng, ấp, xã, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, cộng đồng dân cư khác. Việc hoà giải cơ sở không bắt buộc, do đó, đây không phải là một điều kiện cần trước khi thực hiện khởi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn.

Ví dụ: trong vụ án khởi kiện tranh chấp lối đi chung, trước khi khởi kiện các bên bắt buộc phải hoà giải tại UBND xã, phường mới đủ điều kiện khởi kiện. Còn đối với vụ án ly hôn, vợ hoặc chồng trước khi gửi đơn khởi kiện, không nhất thiết phải thực hiện hoà giải cơ sở tại xã, phường.

3/ HỒ SƠ KHỞI KIỆN

  • Đơn khởi kiện;
  • Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
  • Giấy khai sinh của con (bản sao);
  • Giấy tờ chứng minh về tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, …. (bản sao);
  • Giấy tờ chứng minh về nợ chung: giấy vay mượn,… (bản sao);
  • Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (bản sao).

Lưu ý khi soạn thảo đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết ly hôn:

Thứ nhất: thẩm quyền của Toà án giải quyết: toà án nhân dân cấp quận, huyện nơi bị đơn đang cư trú (căn cứ theo Điều 28, Điều 35 và khoản 1 Điều 39 Bộ luật TTDS). Trong trường hợp, có yêu cầu giải quyết chia tài sản chung của vợ chồng mà tài sản là quyền sử dụng đất ở một địa phương khác thì toà án vẫn xác định tranh chấp trên là tranh chấp về hôn nhân gia đình và Toà án có thẩm quyền giải quyết là nơi bị đơn đang cư trú.

Nơi bị đơn đang cư trú có nghĩa là nơi thường trú hoặc tạm trú của bị đơn. Có thể chứng minh trong sổ hộ khẩu, giấy xác nhận tạm trú, sổ tạm trú,… của bị đơn.

Thứ hai: nguyên nhân ly hôn. Căn cứ theo khoản 1 Điều 56 Luật HNGĐ, toà án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình, hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

4/ QUÁ TRÌNH THỤ LÝ VÀ GIẢI QUYẾT ĐƠN KHỞI KIỆN

Sau khi tiếp nhận đơn ly hôn, Toà án sẽ tiến hành hoà giải tại Trung tâm hoà giải tại Toà án. Nếu không thể hàn gắn được, Toà án sẽ tiếp hành thụ lý và giải quyết ly hôn.

Thời hạn giải quyết: Thời hạn chuẩn bị xét xử của một vụ án là từ 04 – 06 tháng, kể từ ngày được thụ lý. (Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự).

Nếu trong quá trình giải quyết vụ án, cả hai vợ chồng đều thuận tình ly hôn thì toà án ra Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự, quyết định này có giá trị thi hành như một bản án. Hai vợ chồng cũng có quyền tự thoả thuận về việc nuôi con, tài sản và nợ chung, nhưng việc thoả thuận không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba.

Nếu trong quá trình giải quyết vụ án, vợ hoặc chồng không thống nhất được vấn đề nhân thân, con chung, tài sản hay nợ chung thì Toà án đưa vụ án ra xét xử. Toà án sẽ đưa ra quyết định giải quyết các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thông qua bản án nhân danh nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5/ CÁC YÊU CẦU GIẢI QUYẾT SAU LY HÔN

Người vợ hoặc chồng sau khi đã ly hôn, có thể khởi kiện tại Toà án để yêu cầu các nội dung sau: yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, yêu cầu thanh toán tiền cấp dưỡng hoặc nâng mức cấp dưỡng, yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng mà chưa giải quyết trong Bản án/Quyết định về ly hôn, yêu cầu giải quyết nợ chung của vợ chồng,…..

Có thể bạn quan tâm