Bài Viết Mới

THÀNH VIÊN CÔNG TY TNHH HOẶC CỔ ĐÔNG CTY CỔ PHẦN KHỞI KIỆN GIÁM ĐỐC THÌ CĂN CỨ VÀO QUY ĐỊNH NÀO?

Thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc cổ đông công ty cổ phần khởi kiện giám đốc công ty TNHH hoặc giám đốc công ty cổ phần vì cho rằng giám đốc công ty không thực hiện đúng nghĩa vụ, gây thiệt hại đến lợi ích của thành viên hoặc công ty TNHH; cổ đông hoặc công ty cổ phần. Khi phát sinh tranh chấp thì Toà án sẽ căn cứ vào quy định pháp luật nào để thụ lý giải quyết?

Đối với các công ty dựa trên sự góp vốn của nhiều người thì thường cử một người chịu trách nhiệm trước pháp luật và quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật vì một lý do nào đó mà vi phạm các nghĩa vụ của mình, gây thiệt hại cho công ty.

Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án như sau:

“4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty TNHH hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức công ty.

5. Các tranh chấp khác về kinh doanh thương mại trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”

Điều 72 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về khởi kiện người quản lý trong công ty TNHH như sau:

“1. Thành viên công ty tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc, hoặc tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật hoặc cán bộ quản lý khác vi phạm nghĩa vụ của người quản ý trong trường hợp sau đây:

  1. Vi phạm quy định tại Điều 71 của Luật này;
  2. Không thực hiện đúng và đầy đủ hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc điều lệ công ty về các quyền và nghĩa vụ được giao, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ không kịp thời nghị quyết của hội đồng thành viên;
  3. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.

2. Trình tự, thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.”

Điều 161 của Luật Doanh nghiệp quy định về quyền khởi kiện người quản lý trong công ty cổ phần như sau:

“1. Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, hoặc tổng giám đốc trong các trường hợp sau đây:

  1. Vi phạm nghĩa vụ của người quản lý công ty theo quy định tại Điều 160 của Luật này;
  2. Không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của hội đồng quản trị;
  3. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật điều lệ công ty hoặc nghị quyết của đại hội đồng cổ đông;
  4. Sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
  5. Sử dụng địa vị chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức cá nhân khác.
  6. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.

2. Trình tự thủ tục khởi kiện thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông, khởi kiện nhân danh công ty sẽ tính vào chi phí công ty, trừ trường hợp thành viên khởi kiện bị bác yêu cầu.”

Theo các quy định nêu trên thì khoản 4 Điều 30 của BLTTDS không quy định trường hợp tranh chấp giữa thành viên công ty khởi kiện Giám đốc công ty nên trường hợp này toà án căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 30 của BLTTDS (các tranh chấp khác về kinh doanh thương mại ) và quy định tương ứng của luật doanh nghiệp để thụ lý, giải quyết.

Đối với công ty TNHH, trường hợp Giám đốc gây thiệt hại đến lợi ích của thành viên hoặc công ty thì toà án căn cứ khoản 5 Điều 30 của BLTTDS và Điều 72 Luật Doanh nghiệp năm 2014, đồng thời lưu ý các quy định tại Điều 71 của Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị quyết của hội đồng thành viên và điều lệ của công ty để thụ lý giải quyết vụ án.

Đối với công ty cổ phần, trường hợp thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc gây thiệt hại đến lợi ích của cổ đông hoặc công ty thì khi phát sinh tranh chấp toà án căn cứ khoản 5 Điều 30 BLTTDS và Điều 161 của Luật Doanh nghiệp năm 2014, nghị quyết của đại hội đồng cổ đông và điều lệ công ty để thụ lý, giải quyết vụ án.

Căn cứ theo Điều 72, Điều 161 của Luật Doanh nghiệp 2014 thì thành viên công ty TNHH hoặc cổ đông công ty cổ phần có quyền nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đới với người quản lý. Trong trường hợp này nếu việc nhân danh công ty của thành viên công ty TNHH hoặc cổ đông công ty cổ phần là hợp pháp (được công ty uỷ quyền) thì toà án phải căn cứ khoản 4 Điều 30 của Bộ luật Tố tụng dân sự để thụ lý giải quyết vụ án.

Khi phát sinh tranh chấp giữa các thành viên công ty trong nội bộ công ty thì nghị quyết của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, điều lệ công ty là một trong những căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Vì vậy, để đảm bảo sự vận hành và phân chia quyền và nghĩa vụ của nội bộ công ty một cách rõ ràng nhất thì công ty chú ý và thận trọng hơn trong quá trình soạn thảo điều lệ, quy chế hay nội quy làm việc.

Mọi thắc mắc pháp lý xin liên hệ:

Luật sư Trần Thị Hoà

Hotline: 0973.520.805

Email: cvtranhoa@gmail.com

giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp, thành viên công ty kiện giám đốc, tranh chấp nội bộ doanh nghiệp, tranh chấp nội bộ công ty cổ phần, tranh chấp thương mại, tranh chấp giữa các thành viên công ty