Bài Viết Mới

Người trực tiếp nuôi con

Trong quá trình giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn, cha mẹ sẽ thảo thuận với nhau về quyền trực tiếp nuôi dưỡng con cái và nghĩa vụ cấp dưỡng của người còn lại. Hoặc trong trường hợp cha mẹ yêu cầu giải quyết vụ án ly hôn, không thoả thuận được với nhau về người trực tiếp nuôi con thì toà án sẽ căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh, nguyện vọng của con và nhiều yếu tố khác để quyết định cha hay mẹ là người trực tiếp nuôi con.

1/ CÁC TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT CẦN LƯU Ý:

Thứ nhất: Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha, mẹ có thoả thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Điều kiện để trực tiếp nuôi con ở đây là các điều kiện cần thiết để nuôi con như thời gian chăm sóc con, điều kiện về kinh tế nhà cửa,…Tuy nhiên điều kiện này không được so sánh với điều kiện của người cha.

Căn cứ pháp lý: Khoản 3 Điều 81 Luật HNGĐ 2014.

Thứ hai: trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên, toà án phải xem xét nguyện vọng của con. Nguyện vọng của con không phải là yếu tố duy nhất để quyết định người trực tiếp nuôi con, toà án cũng phải xem xét đến các yếu tố khác như hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, chăm sóc, giáo dục, giới tính,…

Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 81 Luật HNGĐ 2014

2/ CÁC ĐIỀU KIỆN TOÀ ÁN XEM XÉT KHI QUYẾT ĐỊNH NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON

Sự thoả thuận của cha mẹ về người trực tiếp nuôi con: đầu tiên, toà án dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của hai bên, nếu hai bên không tự thoả thuận được thì Toà án sẽ xét dựa trên nhiều yếu tố để đưa ra quyết định.

Lỗi dẫn đến mục đích hôn nhân không đạt được: có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ trong hôn nhân của hai vợ chồng như: ngoại tình, bạo hành gia đình về thể chất lẫn tinh thần. Toà án cũng sẽ xét đến người có lỗi dẫn đến tình trạng ly hôn của vợ chồng.

Ví dụ: chồng ngoại tình, dẫn đến người vợ có yêu cầu giải quyết ly hôn và giành quyền trực tiếp nuôi con. Việc có mối quan hệ với người khác trong khi đang duy trì hôn nhân với vợ hợp pháp là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một chồng. Hành vi này hướng đến nhân cách của người chồng không đảm bảo để nuôi dạy con và có thể ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của con. Ngoài ra, sau ly hôn có thể người chồng chung sống với tiểu tam, do đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con khi mối quan hệ “mẹ ghẻ con chồng” không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt.

Ví dụ 2: Chồng là người hay nhậu nhẹt bê tha, bài bạc, đánh đập vợ con. Có thể nhận thấy người chồng có khuynh hướng bạo lực và có hành vi vi phạm pháp. Do đó, nếu giao con cho người chồng trực tiếp nuôi dưỡng, những đứa trẻ sẽ có thể bị hành hạ hay đánh đập khi người cha rơi vào tình trạng mất kiểm soát về tinh thần. Hoặc khi được lớn lên trong môi trường không tốt, những đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng những tính cách không tốt.

Sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho con: điều này phụ thuộc vào giới tính và độ tuổi của con.

Chẳng hạn, con đang trong độ tuổi dậy thì và là con gái thì sự gần gũi, ân cần chăm sóc của người mẹ sẽ đảm bảo sự phát triển ổn định cho bé. Vì đây là độ tuổi phát triển mạnh về cơ thể và sinh lý, có nhiều thắc mắc mà khó chia sẻ với cha hơn là với mẹ. Người mẹ sẽ có nhiều kinh nghiệm để truyền đạt và chia sẻ cho bé, đồng thời với đó những thay đổi về mặt cảm xúc và tư duy đầu đời, bé dễ mở lòng hơn với mẹ vì cùng giới tính, tránh được sự ngại ngùng khi chia sẻ cùng cha.

Điều kiện về kinh tế: trong xã hội phương Đông, người chồng thường là trụ cột của gia đình. Khi lấy chồng, nhiều người phụ nữ thường nghỉ việc và ở nhà chăm sóc chồng con. Nên khi bước ra khỏi cuộc sống hôn nhân, người phụ nữ thường chới với khi phải tự mình bươn trải về kinh tế và hoà nhập lại với xã hội sau bao năm chăm sóc gia đình. Do đó, khi ly hôn, người chồng thường có điều kiện kinh tế tốt hơn và vững chắc hơn.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là điều kiện duy nhất khi toà xem xét quyền trực tiếp nuôi dưỡng. Người phụ nữ chỉ cần chứng minh được thu nhập ổn định tại một cơ quan, tổ chức hoặc thu nhập ổn định từ việc tự kinh doanh hay làm nông nghiệp.

Sự ổn định về mặt kinh tế còn dựa trên chỗ ở ổn định. Chỗ ở này có thể là do chính người cha hoặc mẹ sở hữu hoặc có thể là chổ ở được cha, mẹ người đó cho ở nhờ. Sự ổn định về mặt chỗ ở là yếu tố xác định đứa trẻ sẽ không có quá nhiều sự thay đổi về môi trường sống, học tập.

Điều kiện về điều kiện chăm sóc: hiện nay có rất nhiều trường hợp ba hoặc mẹ không thể trực tiếp chăm sóc con mà gửi cho ông bà nội/ngoại chăm sóc. Mà ông/bà thường ở địa phương khác nên khả năng trực tiếp gặp con thường rất ít. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của con khi thiêú vắng sự chăm sóc trực tiếp từ cha lẫn mẹ. Ở xã hội hiện đại, khi con người quay cuồng với vòng tròn công việc, kiếm tiền thì để trực tiếp chăm sóc được con là rất khó khăn. Dành quá nhiều thời gian kiếm tiền để cho con ăn học thì khó có thể chăm sóc con nếu không có người hỗ trợ. Tuy nhiên đối với những đứa trẻ, chúng cần sự yêu thương từ cha và mẹ, ở chung với ông bà có thể khiến chúng có khoảng cách với cha, mẹ và không có nhiều sự gần gũi. Nên người nào có khả năng trực tiếp chăm sóc con có thể là điểm cộng khi toà án xem xét quyết định người trực tiếp nuôi con.

Ngoài ra, còn rất nhiều điều kiện khác phụ thuộc vào nhiều tình huống khác nhau. Tuy nhiên, thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo về việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành con người hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội là nghĩa vụ của cha mẹ. Cha mẹ ly hôn đã là một trong những tổn thương lớn về mặt tình cảm của con cái. Cha mẹ cũng không nên quá gây gắt trong việc giành quyền nuôi con, gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và sự phát triển của những đứa trẻ.