Bài Viết Mới

Mẹ bỏ đi không chăm sóc con thì có được giành quyền nuôi con không?

Có rất nhiều trường hợp chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng mà vợ tự ý về nhà cha mẹ đẻ, bỏ lại con nhỏ cho gia đình chồng nuôi. Vậy trường hợp này người vợ yêu cầu giành quyền nuôi con thì Toà sẽ giải quyết như thế nào?

Một tình huống thực tiễn trong Thông báo rút kinh nghiệm số 35/TB-VC2-V2 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tranh chấp quyền nuôi con ví dụ cho tình huống trên.

Chị Phạm Thị Kiều Khanh và anh Nguyễn Hữu Phương kết hôn với nhau ngày 27/7/2016 tại UBND xã Ea Kuang, huyện Krong Pắc, tỉnh Đak Lăk. Sau khi sinh con được bốn tháng, vì mâu thuẫn vợ chồng nên chị Khanh bỏ về nhà mẹ đẻ từ tháng 3/2017. Về con chung, anh Phương và chị Khanh có một con chung là cháu Nguyễn Đắc Thông, sinh ngày 30/11/2016. Khi cháu Thông được 04 tháng tuổi thì chị Khanh bỏ về nhà mẹ đẻ sinh sống, để cháu Thông cho anh Phương nuôi dưỡng. Anh Phương và chị Khanh đều đề nghị được nuôi con chung; chị Khanh yêu cầu anh Phương cấp dưỡng tiền nuôi con, anh Phương không yêu cầu chị Khanh cấp dưỡng. Hai bên chỉ có tranh chấp về quyền nuôi con còn các vấn đề khác như quan hệ hôn nhân, tài sản chung thì hai bên không có tranh chấp. Nên trong bài viết chỉ xét đến tranh chấp quyền nuôi con của hai bên.

Toà án nhân dân huyện Krong Pắc xét xử sở thẩm vụ án nêu trên, quyết định:

“Về con chung: giao cháu Nguyễn Đắc Thông cho anh Nguyễn Hữu Phương trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho đến khi cháu Thông đủ 18 tuổi. Chị Phạm Thị Kiều Khanh được quyền đi lại thăm nom, chăm sóc con chung, không ai có quyền ngăn cản.

Về cấp dưỡng tiền nuôi con: ghi nhận việc chị Phạm Thị Kiều Khanh tự nguyện cấp dưỡng mỗi tháng 01 triệu đồng để nuôi cháu Nguyễn Đắc Thông, cho đến khi cháu Thông tròn 18 tuổi”

Ngày 08/3/2018, chị Phạm Thị Kiều Khanh kháng cáo xin được nuôi con chung, không yêu cầu anh Nguyễn Hữu Phương cấp dưỡng tiền nuôi con.

Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Dak Lak quyết định:

“Về con chung: giao cháu Nguyễn Đắc Thông cho chị Phạm Thị Kiều Khanh trực tiếp chăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho đến khi cháu Thông đủ 18 tuổi. Anh Nguyễn Hữu Phương được quyền đi lại thăm nom, chăm sóc con chung, không ai có quyền ngăn cản.”

Ngày 06/7/2018, anh Phương có đơn đề nghị kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Dak Lak.

Ngày 10/10/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và tại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2019/HNGĐ-GĐT ngày 27/2/2019, uỷ ban thẩm phán toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị, huỷ toàn bộ bản án phúc thẩm nêu trên, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Những vấn đề rút kinh nghiệm:

Quá trình giải quyết vụ án chị Khanh và anh Phương đều có nguyện vọng nuôi con, sinh ngày 30/11/2016. Mặc dù khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định “…Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thoả thuận khác phù hợp với lợi ích của con…”. Trong vụ án này, chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, chị Khanh tự ý bỏ về nhà cha mẹ đẻ để sinh sống, bỏ lại cháu Thông chỉ mới được 04 tháng cho anh Phương nuôi dưỡng.

Tại biên bản xác minh đối với Ban tự quản thôn và Chi hội phụ nữ thôn đều xác nhận: “Anh Phương nuôi dưỡng và chăm sóc cháu nguyễn đắc thông rất tốt. Anh Phương có việc làm tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nữ Vương, thu nhập ổn đinhh, hoàn toàn đủ điều kiện để nuôi cháu Thông…”

Mặc khác, chị Khanh không nuôi cháu Thông từ khi cháu mới 04 tháng tuổi. Hiện tại cháu Thông đã quen với điều kiện, môi trường sống và được anh Phương nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Nếu giao cháu Thông cho chị Khanh nuôi dưỡng sẽ gây sự xáo trộn, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của cháu.

Trong vụ án trên có thể nhận thấy, luật có quy định về ưu tiên giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Nhưng bản chất của quy định này là để giúp con có được sự nuôi dưỡng và chăm sóc tốt nhất, có sự phát triển bình thường và ổn định nhất. Nếu người mẹ không trực tiếp chăm sóc con khi con còn nhỏ thì toà cũng sẽ xem xét đến nhiều yếu tố để đem đến sự nuôi dưỡng và chăm sóc tốt nhất cho con. Có nhiều người mặc định, Toà án sẽ giao quyền nuôi con cho người mẹ khi con dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên trong quy định của khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân gia đình thì còn có trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con. Nếu người mẹ không có các điều kiện để trực tiếp nuôi con, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của đứa trẻ thì Toà án cũng sẽ cân nhắc giao con cho người cha nuôi dưỡng.

Có thể bạn quan tâm