Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án để thi hành án, nếu người phải thi hành án không đồng ý với kết quả bán đấu giá có quyền khởi kiện tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản không?
Theo quy định tại khoản 13 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự thì chỉ có hai đối tượng, cụ thể là người mua được tài sản bán đấu giá và chấp hành viên, mới có quyền khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá.
Như vậy Luật Thi hành án dân sự không quy định người phải thi hành án có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản thì họ không có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết loại tranh chấp này.
Vấn đề đặt ra là tại sao Luật lại quy định như vậy? Vấn đề này có thể giải thích như sau:
Thứ nhất: theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật Đấu giá tài sản thì đấu giá tài sản là hình thức bán đấu giá tài sản có từ hai người trở lên, tham gia theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định tại Luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật này.
- Theo quy định tại khoản 5 thì người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản uỷ quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;
- Theo quy định tại khoản 6 thì người mua được mua tài sản đấu giá là người trúng đấu giá và ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả bán đấu giá tài sản;
- Theo quy định tại khoản 8 thì người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm nếu không có người trả giá cao hơn so với giá khởi điểm hoặc là người chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá đã giảm trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống.
Thực chất đây là một giao dịch dân sự mà chủ thể tham gia là người có tài sản hoặc có quyền đưa tài sản ra đấu giá và người tham gia đấu giá và người trúng đấu giá theo quy định của pháp luật. Chỉ giữa những người này mới phát sinh quyền, nghĩa vụ có khả năng tranh chấp với nhau có liên quan đến kết quả đấu giá và chỉ người này mới có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện yêu cầu toà án huỷ kết quả đấu giá nếu họ cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình đấu giá làm ảnh hưởng quyền và lợi ích của họ. Xem xét trường hợp cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản thì cơ quan thi hành án mà cụ thể là Chấp hành viên là bên có quyền đưa tài sản của người phải thi hành án ra bán đấu giá, mà không phải là người phải thi hành án có tài sản bị cơ quan thi hành án kê biên và đưa ra bán đấu giá để thi hành án, bên trúng đấu giá tài sản là người tham gia đấu giá trả giá cao nhất theo phương thức trả giá lên hoặc chấp nhận mức giá đã giảm theo phương thức đấu giá xuống. Vì vậy, chỉ có Chấp hành viên và người trúng đấu giá đã ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá mới có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch bán đấu giá và có thể trở thành các bên tranh chấp với nhau về kết quả bán đấu giá tài sản. Người phải thi hành án không phải là người đưa tài sản ra bán đấu giá, tức không tham gia, không phải là một bên trong giao dịch này nên không có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch và do đó, họ không có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Chỉ trong trường hợp duy nhất là họ tham gia và trúng đấu giá thì lúc này với tư cách là người mua được tài sản thì họ mới có quyền khởi kiện.
Thứ hai, nếu người phải thi hành án có căn cứ cho rằng cơ quan thi hành án có hành vi, quyết định kê biên, định giá và bán đấu giá đối với tài sản của họ để thi hành án trái pháp luật thì họ có quyền khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 140 của Luật Thi hành án dân sự. Việc giải quyết khiếu nại của họ được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Mục 1 chương VI của Luật Thi hành án dân sự.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự thì đương sự có quyền khiếu nại quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó.
Đương sự có quyền gửi đơn khiếu nại đến người có quyền giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự. Thời gian giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.
Mọi thắc mắc pháp lý xin liên hệ:
Luật sư Trần Thị Hoà
Hotline: 0973.520.805
Email: cvtranhoa@gmail.com