Bài Viết Mới

Người có tài sản có quyền khởi kiện kết quả bán đấu giá tài sản hay không?

Trong các trường hợp phải sử dụng tài sản của người phải thi hành án để thi hành Bản án/Quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án thì Cơ quan thi hành án có thẩm quyền sẽ tiến hành bán đâú giá tài sản để thi hành án. Vậy trong những trường hợp như vậy thì người có tài sản có những quyền gì để bảo vệ quyền lợi của họ.

Thứ nhất: Định giá tài sản

Định giá tài sản là một trong những căn cứ để xác định giá trị tài sản còn lại của người có tài sản khi thực hiện cấn trừ đi nghĩa vụ phải thanh toán trong bản án. Việc định giá tài sản để kê biên nhằm mục đích xác định giá khởi điểm. Vậy việc định giá như thế nào là hợp lệ?

Căn cứ theo quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự thì việc định giá được thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau:

Đầu tiên, các đương sự có quyền thoả thuận về giá tài sản hoặc thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên sẽ lập biên bản về thoả thuận này và giá mà các bên thoả thuận sẽ là giá khởi điểm để bán đấu giá. Nếu các bên thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định đó.

Tuy nhiên, các đương sự thường có quyền lợi đối lập nên rất khó đạt được sự thoả thuận về giá tài sản và tổ chức thẩm định. Người có tài sản thì luôn muốn định giá tài sản mình cao còn người được thi hành án thì muốn mức giá có thể bán đấu giá một cách nhanh nhất.

Nếu các bên không thống nhất được giá và tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên sẽ chọn lựa tổ chức thẩm định giá phù hợp tại nơi có tài sản kê biên trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày có quyết định kê biên tài sản.

Hoặc nếu tổ chức thẩm định giá không ký hợp đồng dịch vụ hoặc các trường hợp thuộc khoản 3 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên được xác định giá.

Trong thực tế thì đa số các trường hợp bán đấu giá tài sản kê biên được thực hiện thông qua tổ chức thẩm định giá để đảm bảo sự khách quan trong quá trình bán đấu giá tài sản.

Nếu các đương sự nhận thấy không đồng ý với giá đã được tổ chức thẩm định giá đưa ra thì họ có quyền yêu cầu định giá lại. Yêu cầu định giá lại được thực hiện thông qua hai trường hợp:

Thứ nhất: trước khi có thông báo công khai về việc đưa tài sản ra bán đấu giá thì đương sự có quyền yêu cầu định giá lại. Quyền này được thực hiện sau khi kê biên, định giá tài sản cho đến trước khi có thông báo bán đấu giá tài sản. Khi có yêu cầu định giá lại, đương sự phải đưa ra lý do làm cănn cứ cho yêu cầu của mình.

Thứ hai: trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bán đấu giá không thành, đương sự có quyền yêu cầu định giá lại.

Sau mỗi phiên bán đấu giá không thành, Chấp hành viên có quyền giảm giá tài sản, mỗi lầm giảm giá không quá 10% giá đã định (Điều 48 Luật THADS)

Sau khi có người mua bán đấu giá thành thì người có tài sản có quyền được khởi kiện đối với kết quả bán đấu giá đó hay không?

Trường hợp này thường xảy ra khi người phải thi hành án không đồng ý với mức bán đấu giá, họ cho rằng giá bán quá thấp so với giá thị trường không đảm bảo quyền lợi của họ. Hoặc họ cho rằng trong quá trình bán đấu giá tài sản, Chấp hành viên không thực hiện đúng thủ tục theo quy định, không thông báo cho họ hoặc không ưu tiên cho họ được quyền mua lại tài sản của mình. Vậy khi có kết quả bán đấu giá thì người có tài sản phải thi hành án có thể thực hiện các thủ tục gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Thi hành án dân sự 2014 thì chủ thể có quyền khởi kiện đối với kết quả bán đấu giá tài sản nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản là Chấp hành viên và người mua được tài sản bán đấu giá.

Do đó, những trường hợp người phải thi hành án khởi kiện tại toà án đối với kết quả bán đấu giá tài sản hoặc yêu cầu huỷ hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá đều không được nhận đơn khởi kiện.

Các đương sự thi hành án bao gồm người phải thi hành án và người được thi hành án và người có quyền và nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại, tố cáo và yêu cầu bồi thường theo pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Theo quy định tại Điều 142 thì đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nếu khiếu nại đối với quyết định, hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án thì cấp có thẩm quyền giải quyết là Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp trên. Còn khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Chấp hành viên thì do thủ trưởng cơ quan thi hành án đó giải quyết.

Ngoài ra đương sự còn có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. (Điều 154 Luật THADS)